Hiện tượng nhập vong

0
(xuangiao.com)-Nếu không tồn tại thế giới tâm linh thì vong người chết không thể hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chỉ cần giả định là vong người chết có khả năng nhập vào người sống, các nhà nghiên cứu cũng có thể tiếp cận nhiều trường hợp nhập vong hết sức lạ kỳ…

 

 

HIỆN TƯỢNG VONG NHẬP VÀO NGƯỜI SỐNG

Một trong những chứng cứ có sức thuyết phục nhất về sự tồn tại thế giới tâm linh là xảy ra nhiều trường hợp vong của người chết nhập vào người sống (gọi tắt là hiện tượng nhập vong). Điều đáng nói là từ những sự cố nhập vong có thể dẫn đến những biểu hiện ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.

Mức độ nhập vong

Không phải người nào cũng có thể bị (hoặc “được”) nhập vong. Những người có khả năng đó thường phải trải qua một quá trình chuẩn bị hoặc tập luyện để cơ thể thích hợp với một số điều kiện nhất định. Cách “chuẩn bị” hay gặp nhất là đau ốm thập tử nhất sinh dài ngày. Để thích hợp với vong, dường như cơ thể con người cần được sửa đổi hay tinh khiết hóa một số thứ gì đó. Thực tế cho thấy rằng, vong có thể nhập vào con người và tự điều khiển theo một trong hai mức sau:

Suy nghĩ, cảm xúc và vận động – Trong trường hợp này người nhập vong sau khi được tự do thường nói với mọi người là mình vừa trải qua một giấc ngủ say (hoàn toàn không nhớ điều gì đã xảy ra). Nói cách khác, ở mức này vong làm chủ hoàn toàn tâm trí của người nhập.

Cảm xúc và vận động – Người nhập bị vong chiếm quyền điều khiển cảm xúc và vận động, còn phần lý trí của anh ta vẫn sáng tỏ. Trong trường hợp này người nhập có thể đối thoại với vong bằng ý nghĩ, còn vong có thể trả lời bằng miệng của người đó. Người nhập vẫn cảm nhận được cái “tôi” bởi ba yếu tố là ý nghĩ, thị giác và thính giác; còn cảm xúc (cười, khóc, thái độ, cảm giác…), sự vận động tứ chi và miệng nói hoàn toàn do vong quản lý. Người nhập nhận biết khá rõ ràng là mình đang bị vong điều khiển.

Các dạng nhập vong      

Vong người chết có thể nhập vào người sống theo nhiều cách khác nhau. Dưới đây sẽ xét đến một số dạng cụ thể.

Nhập vong chủ động – Người nhập biết trước danh tính của vong nắm quyền điều khiển mình và thời điểm vong bắt đầu hoạt động. Thường trong những trường hợp như vậy, người-vong có thể hành xử như một người bình thường (nói, cười, khóc, buồn bã, hút thuốc, ăn uống, đi xe máy…). Tuy nhiên, có một số biểu hiện bề ngoài (giọng nói, cử chỉ, thói quen ăn uống, hút thuốc…) gần giống với những gì mà kiếp trần của vong thể hiện. Thời điểm kết thúc nhập là do vong quyết định.

Nhập vong thụ động – Người nhập không biết chắc chắn danh tính của vong nắm quyền điều khiển mình và thời điểm vong bắt đầu hoạt động. Có nhiều người bị vong nhập vào và tách ra bất ngờ.

Nhập vong qua trung gian – Dạng nhập vong này còn được gọi là “áp vong”. Trong trường hợp áp vong, một người nào đó có khả năng ngoại cảm có thể đặt tay lên đầu người nhập để vong người chết hoạt động. Dĩ nhiên là khi đó người nhập ngồi yên một chỗ.

Một số mẩu chuyện nhập vong

Có vô số trường hợp vong người chết nhập vào người sống đã xảy ra ở nhiều nơi tại Việt Nam cũng như tại các nước khác. Dưới đây là một số mẩu chuyện nhập vong đã được đăng tải trên sách, báo hoặc chúng tôi đã chứng kiến.

Vong là thầy chữa – Vong là một liệt sĩ hy sinh ở độ tuổi 40. Hiện nay vong đang học nghề thuốc tại Trung Quốc. Người nhập có tuổi đời ngoài 30. Mỗi khi cần gọi vong về, trước tiên người nhập vận bộ đồ nhà binh, rồi thắp hương và cầu khấn theo một thủ tục nhất định. Người-vong tự xưng là “ông”, còn bản thân người nhập chỉ xưng “cháu” với người lớn tuổi. Người-vong có thể đi xe máy, cùng ngồi ăn cơm với mọi người và cụng ly. Nhưng thức ăn cho “ông” phải là thịt kho Tàu!

Chúng tôi biết một trường hợp người-vong chữa cho một trung tá quân đội (có tên là Th). Lần đó Th đi ăn giỗ vào buổi tối, không biết do đâu mà sáng hôm sau Th bị méo mồm, vẹo cổ, cả ăn uống và nói đều khó. Th được đưa đến Bệnh viện 103 để khám và điều trị, nhưng sau nhiều tuần vẫn không có kết quả. Người nhà đi xem bói được phán rằng, hôm đi ăn giỗ về Th đã tiểu tiện lên phần đất nhà chùa nên đã bị Thần linh bắn tên trừng phạt (nhà Th ở cạnh chùa). Nếu Th đồng ý thì người nhà sẽ nhờ “ông” nói trên cứu giúp.

Nhưng Th kiên quyết từ chối vì anh ta đang là giảng viên triết học. Sau một thời gian thuyết phục khó khăn bằng cách cho Th đọc nhiều tư liệu về tâm linh, cuối cùng Th đồng ý cho “ông” chữa. Th được đưa về nhà, còn “ông” tự đi xe máy đến, bảo Th nằm thẳng tay chân, rồi “ông” làm động tác gỡ mấy mũi tên năng lượng từ người Th ra. Ngay sau đó, Th khỏi bệnh và tiếp tục công tác bình thường. Hiện nay Th đã là đại tá!

Vong bác ruột nhập vào cháu gái để chỉ mộ mình – Người bác tên là Nguyễn Văn Tự, quê ở xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà – Hà Tĩnh, hy sinh ở chiến trường phía Nam. Cháu gái tên là Nguyễn Thị Hằng, con của anh Phùng là em ruột ông Tự; sự kiện xảy ra vào năm 1996 khi cháu Hằng mới 12 tuổi. Tóm tắt câu chuyện như sau.

Vào một buổi tối, khi ở trạng thái nửa mê nửa tỉnh thì một người em ruột tên là Cử gặp ông Tự hiện về nói một cách rành rọt:

– Anh hy sinh ở đồi 405 tại Vĩnh Linh. Hãy mau vào đón anh về!

Dù đang công tác tại thành phố Vinh, anh Cử tức tốc về nhà bàn với mọi người trong gia đình đi tìm kiếm hài cốt anh trai. Hôm lên đường, bé Hằng cũng năn nỉ xin đi theo.

Khi đến cơ quan Thị đội Vĩnh Linh, không ai ngờ là vẫn còn lưu giữ tấm bản đồ quân sự cũ nát có ghi ngọn đồi 405 ở cách xa khoảng 70km.

Sau mấy ngày hành trình vất vả trên đường đồi dốc, hoang vu vắng vẻ, ước tính còn vài cây số nữa mới tới đồi 405, mọi người đang định dừng chân để ăn uống và nghỉ tạm qua đêm. Bỗng dưng “bé Hằng” vừa chạy vừa réo gọi với giọng rất lạ:

– Các em ơi! Hãy mau theo anh!

Đó là giọng nói không phải của bé gái 12 tuổi, nó đã làm cho bố cháu và 2 người em hết sức kinh hoàng và lập tức chạy theo. Khi đó gần tối, “bé Hằng” chạy khá nhanh nên cả ba người lớn đều thở hổn hển. “Bé Hằng” lại nói tiếp:

– Không thể chậm được các em ạ. Hãy nhanh chân lên! Anh sẽ hướng dẫn cụ thể. Các em phải bốc hót xong ngay đêm nay!

Tới một ngọn đồi cao, nơi có ba ngôi mộ trơ đất sỏi, “bé Hằng” chỉ vào ngôi mộ ở giữa:

– Đây là chỗ nằm của anh! Các em đào nhanh tay lên!

Sau một hồi đào bới không sâu lắm, “bé Hằng” lại hối hả nói:

– Đã tới xương cốt rồi, các em nhặt mau đi!

– Nhưng mà sao ít thế… anh?

“Bé Hằng” lại lên tiếng đầy vẻ xót xa:

– Anh chết vì bom đạn, xương không còn được là bao! Thôi, các em gói lại, rồi ra về kẻo trời đã tối!

Trên đường trở về thị trấn Vĩnh Linh, “bé Hằng” vẫn tiếp tục câu chuyện với ba người lớn về một thời quá khứ đã qua mà chỉ mấy anh em ruột với nhau mới hiểu hết. Sau khi vong xuất, bé Hằng nói là không hề biết mình đã chạy đi như thế nào và nói những gì.

Trong buổi đón nhận di hài của liệt sĩ Nguyễn Văn Tự tại quê nhà có đầy đủ họ tộc, làng xóm và đại diện chính quyền. Khi mọi người đang bàn bạc việc tổ chức lễ đưa di hài liệt sĩ ra nghĩa trang, đột nhiên “bé Hằng” đứng bật dậy, vẫn giọng nói rất lạ, lẫn trong tiếng khóc:

– Bây giờ con xin mời mẹ cùng các em ngồi lại quanh đây, con xin có lời thưa. Đáng lẽ con được trở về lâu rồi…

Nói đến đây, “bé Hằng” cầm tay anh Phùng (là cha) mà than thở rằng:

– Lúc anh lên đường, em mới có 6-7 tuổi, em níu áo anh và đòi khi về anh mua cho kẹo, chắc em còn nhớ?

Anh Phùng xúc động thưa lại:

– Thôi, anh đừng khóc nữa! Bây giờ anh đã về đây là cả nhà, cả họ đều mừng. Duy chỉ có một điều anh cho phép em hỏi: anh mất vào ngày tháng nào để cả nhà làm giỗ?

– Anh mất vào hồi 9 giờ sáng ngày 9 tháng 2 năm 1966. À mà từ nãy đến giờ… mau cho gặp Minh, người vợ ngày ấy của anh…

Bà Minh là vợ ông Tự trước đây. Sau khi chồng lên đường ra mặt trận, bà đã sinh một đứa con đặt tên là Quý, nhưng không nuôi được. Người vợ ấy ở vậy thờ chồng, bấy giờ đã ở tuổi 55. “Bé Hằng” bước tới nắm tay bà Minh trước sự chứng kiến của mọi người và nói:

– Những ngày tháng trong quân ngũ anh đã viết rất nhiều thư cho em. Em có nhận được không?

– Dạ có!

– Thế em còn thuộc bài thơ anh gửi vào dịp Tết năm 1965?

– Dạ, đã mấy chục năm rồi, đêm cũng như ngày, em chỉ dành thời gian để nhớ tới anh thôi!

– Vậy thì em thương yêu, hãy cho anh được đọc lại:

Đêm giao thừa

                 Đón xuân trên trận địa

                 Anh gửi lại tình thương

Chút tình ở chốn tiền phương

            Chẳng có gì cho em

                 Mặn mà tình nghĩa truân chuyên

                 Mong em giữ trọn lời nguyền trăm năm

Đọc xong, “bé Hằng” khóc nghẹn. Bà Minh cũng nức nở nhiều. Cuối cùng, “bé Hằng” có lời nhận xét:

– Bấy lâu trong gia đình nhà ta các chị em dâu thường có mâu thuẫn, lời to tiếng nhỏ cãi cọ nhau. Nếu các em có thương mẹ và anh, nghĩ đến hạnh phúc lâu dài thì nên đóng cửa bảo nhau…

Nói xong, bé Hằng lặng người một hồi lâu, rồi trở lại trạng thái như người vừa qua một giấc ngủ triền miên…

 

 

(Theo t/c Thế giới Trong ta, số 27)

Vong liệt sĩ nhập vào bé gái – Người kể câu chuyện này là trung tá Hồ Trọng Bình, Đoàn trưởng Đoàn quy tập mộ liệt sĩ. Vào năm 1987, Đoàn của anh đưa 45 bộ hài cốt liệt sĩ từ bản Chà Là (Lào) về bàn giao cho nghĩa trang Việt – Lào ở huyện Anh Sơn – Nghệ An. Dạo đó Đoàn chưa có kinh nghiệm dùng những hòm có chia thành nhiều ô để hài cốt như sau này. Mỗi bộ hài cốt được gói vào vải liệm, bọc ngoài bằng nylon, để chất chồng lên nhau trong xe tải.

Lần ấy khi chở về bàn giao đã phát hiện thiếu mất một bộ hài cốt. Dù rất lo lắng, nhưng mọi người đều không biết là vì sao lại như vậy. Trở về đơn vị, trong thời gian chờ đợi chuyến đi sau, nhiều đêm anh Bình mơ thấy có người mang trả một bộ hài cốt. Đúng là mấy tuần sau, điều đó đã trở thành sự thật.

Số là khi chuyến xe của anh Bình chở 45 bộ hài cốt từ Lào về nước có dừng lại nghỉ ở Kỳ Sơn. Do thấy trên xe có những gói nylon màu xanh, tưởng đó là những gòi hàng nên một cậu bé đã lấy cắp một bọc. Về gần tới nhà mở ra thấy hài cốt, cậu bé hoảng sợ đem bỏ cạnh bụi tre. Đám trẻ trong xóm biết chuyện đã tò mò mở ra xem. Trong số đó có một bé gái khi nhìn thấy liền ngã vật xuống đất, ngất xỉu. Lúc tỉnh dây, cô bé chạy vào nhà tìm chai rượu của bố tu một hơi, rồi hét to:

– Mua vé xe cho tao về đi! Bạn bè tao về dưới kia cả rồi! Sao để tao nằm một mình ở đây?

Thấy vậy, cả nhà cô bé hoảng sợ. Sau khi biết chuyện, bố cô bé vội đóng một cái tiểu bằng gỗ, cho bộ hài cốt vào và đem chôn cạnh bụi tre. Thế nhưng mấy hôm liền cô bé vẫn như người mất hồn. Nhiều lần bé hoảng hốt chạy ra đường cái vẫy xe đòi về xuôi, buộc gia đình phải nhốt cô bé lại. Được mươi hôm nó lại kêu giật giọng:

Bả vai của tao bị mối ăn rồi! Sao không đưa tao đi?

Nghe vậy, ông bố đành phải đào bộ hài cốt lên và quả thật mối đã ăn thủng đáy chiếc tiểu gỗ, bắt đầu đục vào xương bả vai.

Lấy lại bình tĩnh, nhặt hết mối trong bộ hài cốt ra, ông bố cô bé liền thay chiếc tiểu gỗ và chôn ở nơi khác. Nhưng bệnh của đứa con ông vẫn không giảm. Nó lại kêu:

– Sao đầu tao nặng thế này? Gối đầu tao lên, rồi đưa tao về xuôi!

Thêm một lần nữa ông bố buộc phải đào chiếc tiểu gỗ lên và thấy rằng lần chôn cất vừa rồi do làm bí mật trong đêm, nên ông đã để đầu bộ hài cốt bị chúi xuống.

Đến lúc này, ông bố thấy không thể giấu giếm chuyện hệ trọng đó nữa, mà phải báo với chính quyền xã. Cho tới khi bộ hài cốt được trao trả tận tay đơn vị anh Bình, đồng thời được mai táng đúng nơi đúng chỗ vào nghĩa trang liệt sĩ, lúc đó cô bé mới trở lại bình thường.

(Theo cuốn Những chuyện về thế giới tâm linh)

“Chúng tôi đã chờ lâu quá rồi” – Câu chuyên này xảy ra tại thị xã Quảng Trị vào những ngày cuối tháng Tư năm 2005.

Khoảng 9 giờ tối, khi tất cả những người có mặt trong đêm “Ký ức Thành cổ Quảng Trị” giữa chính quyền và nhân dân Quảng Trị với đoàn hành quân từ phía Bắc vào đang xúc động đi thắp những ngọn nến lên từng tảng đá, từng cành cây ngọn cỏ để tưởng nhớ các liệt sĩ trên mảnh đất này, thì bất ngờ có tiếng loa của Ban tổ chức thông báo khẩn cấp:

Đề nghị tất cả các phóng viên có mặt tại sân khấu, chúng ta vừa phát hiện thêm hài cốt cùng di vật của liệt sĩ!

Ngay lập tức các phóng viên có mặt tại sân khấu. Tại đó họ gặp một phụ nữ trạc 50 tuổi, nhìn bề ngoài hiền lành, được giới thiệu là người đã tìm ra nơi yên nghỉ của các liệt sĩ. Bà nhiệt tình dẫn đoàn phóng viên đi. Nhưng khi đại tá Nguyễn Huy Toàn, cố vấn lịch sử của chương trình, hỏi chuyện bà và tự giới thiệu mình là người Hà Nội, thì bỗng dưng toàn thân người phụ nữ co giật “lên đồng”. Sau đó “bà” khóc to và nói:

Tôi cũng là người Hà Nội đây! Tôi là Tiểu đội trưởng!

Mọi người phải dìu “bà” ra ô tô. Và “bà” cứ khóc suốt từ lúc ấy. Ai dỗ cũng không thôi. Cũng không ai kịp hỏi tên “bà”. Xe nổ máy nhưng chưa chạy, vì phải chờ các phóng viên khác. Lập tức “bà” lại nức nở, người co giật và nói:

Không chờ nữa! Không chờ được nữa! Chúng tôi đã chờ lâu quá rồi!

Theo chỉ dẫn của “bà”, xe chở đại tá Nguyễn Huy Toàn và mấy nhân viên của Ban tổ chức đi ngoằn ngoèo vào khu phố 4A, phường 2, thị xã Quảng Trị. Tại đây rất đông người đang tập trung quanh 2 hố. Một hố ngoài ngõ, một hố trong sân. Mỗi hố sâu hơn 2 mét. Khi tới nơi, “bà” lập tức nhảy xuống hố kêu khóc, lăn lộn. Bà tiếp tục chỉ tay ra xung quanh nói còn hai bộ hài cốt chưa được khai quật. Theo “bà”, chỗ này có 11 bộ hài cốt liệt sĩ, nay chỉ mới khai quật được ba hài cốt.

Người ta cho biết bà là Trần Thị Cam, làm nghề bán bún, nhà ở ngõ 36, khu phố 4, phường 1, thị xã Quảng Trị, cách hơn 3 km so với địa điểm tìm thấy hài cốt. Vài ngày trước đây, khi đến nhà ông Nguyễn Văn Ban để trả tiền mua thịt, đột nhiên bà lên cơn co giật và bắt đầu chỉ những vị trí có mộ liệt sĩ.

Sự trùng hợp hy hữu là bà Cam bắt đầu “lên đồng” và chỉ vị trí có hài cốt từ khi đoàn quân “Thắp lửa truyền thống – Vang mãi khúc quân hành” bắt đầu cuộc hành trình. Nhưng khi đào thì chưa tìm thấy. “Bà” nói là phải thắp hương khấn và chờ khi đoàn đến thì mới tìm thấy!

Khi đại tá Nguyễn Huy Toàn đưa “bà” Cam vào trong nhà thì bất ngờ lại có một người dân nữa có dấu hiệu bất thường và bắt đầu chỉ vị trí hài cốt liệt sĩ. Đó là bà Hợi, sinh sống ngay tại khu phố này.

Người dân địa phương cho biết, khu phố 4A nằm gần bờ Nam sông Thạch Hãn, là nơi trước đây có trận địa của bộ đội. Hiện nay nhà cửa đã được xây dựng san sát. Đã nhiều lần người dân tìm được hài cốt liệt sĩ ngay trong sân, trong vườn hoặc trong nhà…

(Theo báo Quân đội Nhân dân, ngày 24-4-2005)

Động lực vô hình – Câu chuyện sau đây được trích trong cuốn “Đường mây qua xứ tuyết” (hay “Con đường mây trắng“) của Lạt ma Analarika Govinda, bản dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt của Nguyên Phong.

“Sự hiện diện của Lạt ma Phiyang tại Poo được đồn đại khắp làng. Gần như lúc nào cũng có người kéo đến làm lễ, xin được cúng dường và sau cùng có đại diện cho dân làng là Namgyang xin ngài làm lễ ban phép lành cho cả làng Tsewang.

Để chuẩn bị cho nghi lễ này, Lạt ma Phiyang đã phải tĩnh tu ít hôm… Đến giờ hành lễ, Lạt ma Phiyang oai nghiêm xuất hiện trong bộ y phục đặc biệt dành riêng cho các nghi lễ. Không ai có thể nhận ra vị Lạt ma già trong bộ quần áo rách mướp khi trước nữa. Tiếng chuông trống đồng loạt nổi lên, âm thanh của những bài thần chú vang rền. Lạt ma Phiyang khởi sự các nghi thức một cách trang nghiêm, kính cẩn…

Buổi lễ đang diễn ra một cách trang nghiêm thì bỗng có sự ồn ào náo loạn phía sau. Đám đông hầu như bị xáo trộn bởi một cái gì đó, rồi một người cao lớn, khuôn mặt dữ dằn xô đẩy mọi người để xông lên phía trước. Cặp mắt người này trợn ngược lên như mất hồn. Đám đông xì xầm:

– Ngài đã về đấy! Các Ngài đã về đấy!

Dân chúng đang nói về một động lực vô hình nào đó nhập vào người đàn ông. Người nọ nhảy ngay vào giữa đàn tràng, trợn mắt nhìn Lạt ma Phiyang nhưng ông vẫn thản nhiên vừa trì tụng thần chú, vừa tiếp tục nghi thức như không hề hay biết sự hiện diện của người đàn ông. Đám đông sợ hãi kêu rú lên vì nếu y làm xáo trộn nghi lễ ban phép lành như vậy thì không biết tai họa gì sẽ xảy đến cho dân làng đây?

Lạt ma Phiyang vẫn thản nhiên bắt ấn quyết, miệng đọc thần chú và vẫn tiếp tục nghi lễ bất chấp người nọ hầm hầm đứng trước mặt ông.Y cũng giơ tay làm cử chỉ như đang bắt ấn quyết, miệng y gầm gừ như một con thú, lưỡi y thè dài ra trông rất ghê rợn. Bất cứ Lạt ma Phiyang làm gì thì người đó cũng bắt chước làm y hệt để chế nhạo ông, khiến đám đông sợ hãi không dám kêu lên một tiếng. Sau cùng y nhặt những mảnh vải rách và những miếng giấy dưới đất dí vào mặt Lạt ma Phiyang, nhưng ông vẫn thản nhiên nhận lấy và thả vào đống lửa đang cháy giữa sân. Người nọ bỗng hét lớn một tiếng, rồi lùi lại. Dường như động lực vô hình nào đó nhập vào y đã thoát ra ngoài. Y lảo đảo như người say rượu, rồi nhảy vọt đến bên một ngọn tháp gần đó đập mạnh đầu vào bia đá. Máu trên đầu y phun ra xối xả, nhưng dường như y không dừng được nữa mà cứ tiếp tục đập đầu vào bia đá lia lịa. Khi đó, một vài thanh niên can đảm trong làng vội nhảy ngay đến đè chặt y xuống, không cho y tiếp tục đập đầu như vậy nữa. Một tình trạng khác chợt diễn ra trong đám đông. Một người đàn bà, có lẽ là vợ y, ở đâu xông đến ôm chặt lấy y khóc miết.

Cũng may đúng lúc đó chuông trống dừng lại, buổi lễ chấm dứt và Lạt ma Phiyang nghiêm trang chắp tay đọc bài chú nguyện để kết thúc. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Nhưng sự việc không kết túc dễ dàng như vậy. Người đàn ông nọ chợt ngồi nhổm dậy, hất tung những thanh niên đang đè y xuống. Y gầm lên một tiếng, nhảy đến giá binh khí gần đó, rút ra một thanh gươm nhọn đâm luôn vào mặt mình. Nhiều tiếng rú lên sợ hãi, nhưng người nọ vẫn không chịu dừng tay. Điều lạ lùng là tuy vậy, nhưng mặt y không hề chảy máu. Bất chấp thanh gươm nhọn đang xuyên qua gò má, y rút thêm một thanh giáo dài cắm xuống đất, đầu nhọn chĩa ngược lên trên, rồi tung mình nhảy lên, chìa cổ đâm mạnh vào ngọn giáo. Đó là một cảnh tượng hãi hùng. Lạ thay, thân hình y bỗng cứng đơ như một khúc gỗ nằm chênh vênh trên ngọn giáo nhọn hoắt mà vẫn không sao. Toàn thể đám đông nằm rạp cả xuống đất do quá sợ hãi, nhiêu người bật khóc râm ran. Đến lúc đó, dường như đã phô trương được quyền năng của mình, động lực vô hình kia mới bắt đầu lên tiếng qua người đàn ông đang nằm lơ lửng trên ngọn giáo nhọn.

Mọi người không thể hiểu là tại sao một người có thể nói được khi gò má bị xuyên qua bởi một lưỡi gươm nhọn và cổ họng thì lún sâu trên ngọn giáo nhọn hoắt. Bằng một giọng trầm trầm, động lực vô hình cho biết đây là nơi y vẫn cư ngụ bao lâu nay, tại sao Lạt ma Phiyang dám đến làm lễ, đã thế lại không dâng cúng gì cho y hết. Lạt ma Phiyang bình tĩnh bước đến trước gã thanh niên nọ. Bằng một giọng thản nhiên, ông bắt đầu hỏi lý lịch của động lực kia, đã cư ngụ tại đây bao lâu và và đã làm gì để giúp ích cho dân làng chưa! Lạt ma cho biết việc hành lễ có mục đích cầu nguyện, mang lại điều tốt lành cho tất cả mọi chúng sinh và dĩ nhiên nếu ông biết y hiện diện tại đây thì đã mời y cùng hành lễ chung. Vị Thần nọ dường như nguôi giận, y nhảy xuống đất, đứng nghiêm chỉnh nghe Lạt ma Phiyang nói và sau cùng thì y chấp nhận lời giải thích này…”

© 2012, Tin Tâm Linh. ( Theo : www.tintamlinh.com )

Leave A Reply

This website uses cookies to improve your experience. We'll assume you're ok with this, but you can opt-out if you wish. AcceptRead More