Nhân tướng phú
Được tổng hợp và chắt lọc các câu phú tinh túy trong bộ môn nhân tướng, được chú giải công phu, rõ ràng, các câu phú trong sách này được ví như bài Cốt Tủy phú của môn Tử Vi. Dưới đây, QNB xin đăng lại để độc giả yêu thích bộ môn Nhân Tướng tham khảo.
Để nắm được những điểm trọng yếu trong sách này, yêu cầu phải có một nền tảng nhất định về kiến thức của môn Nhân Tướng, vì vậy sách không dành cho người mới tập làm quen với môn này.
Các câu phú được đánh số lần lượt từ 1 đến 267, bên dưới là phần chú giải. Theo lời văn thì sách vốn có vẽ hình nhưng bản của QNB có thì chẳng thấy cái hình nào cả. Cảm phiền độc giả tra cứu thêm ở các sách khác hoặc cùng nhau thảo luận đối với các danh gọi để biết thêm thông tin.
–
NHÂN TƯỚNG PHÚ
Tác giả: TRẦN – KHANG – NINH
LỜI DẪN
Nhân tướng phú gồm hai quyển, do Trương Hành Giản, người đời Kim soạn. Hành Giản tự là Kính Phủ, người ở Nhật Chiếu, Doanh Châu. Từng giữ chức Thượng thư bộ Lễ, Hàn lâm học sĩ, Thừa Chỉ thái tử thái phó; được tặng tước Ngân thanh vinh lộc đại phu. Lúc qua đời, được ban thụy Văn Chính. Tiểu sử Hành Giản được biên chép trong Kim sử.
Hành Giản suốt đời làm quan trong phạm vi bộ Lễ, có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Thiên văn, Thuật số. Sử sách có ghi, những tác phẩm về văn chương có tới 15 quyển. Các sách Lễ liệt toản gồm 120 quyển, bao gồm các loại: triều hiến, tang táng, hội đồng. Với các tên sách: Thanh đài, Hoàng hoa, Giới nghiêm, Vi thiện, Tư công, được cất giữ cẩn thận trong nhà, mà không chịu cho lưu hành ngoài đời. Cho nên trong các sách Thiên khoảnh dường thư mục, của Hoàng Ngu Tắc, đều không thấy ghi chép gì về Nhân luận đại thống phú, người đã soạn ra nó. Chỉ riêng trong Vĩnh Lạc đại điền, thì có ghi rõ là Hành Giản soạn. Lại còn viết rõ, Tiết Diên Niên, tự là Thọ Chi chú giải. Cuối bài tựa, có viết: “Hoàng Khánh nhị niên, Hoàng Khánh là niên hiệu của Nguyên Nhân Tông, là triều kế tiếp của nhà Kim. Những lời này không thể sai. Chỉ có điều, những bản khác, bỏ thiếu những dòng này.
Sách này, ghi chép những điều về tướng pháp, nội dung ngắn gọn, rõ ràng. Cho nên, trong bài tựa, Diên Niên cũng nói: Những điều khái quát, thiết yếu, trên dưới ba nghìn từ. Thu tóm hết những điều thiết yếu nhất về tướng thuật. Thứ tự khái lược nhưng rành mạch. Tưởng không phải là những hư ngôn. Sách nói rõ thuật tướng, không một lời rườm rà, khoa trương. Ngoài ra, có chép thêm những lời bàn của nhà Âm Dương học.
Sách được biên soạn dựa trên các sách cổ của Trung Hoa cổ đại nói trên, có lời chú của Diên Niên rõ ràng, tường tận. Khi đã đạt được điều này, người chú chua thêm những kiến giải khác, nhưng không đến nỗi lan man.
Chúng tôi biên soạn cuốn sách này nhằm đem đến cho độc giả vốn kinh nghiệm và tri thức cổ của cổ nhân với ý nghĩa là sách tham khảo, để quý vị độc giả thêm hiểu biết và có cách nhìn về quan niệm nhân thế của người xưa nhất là người Trung Hoa cổ…
*****************
1 – QUÝ TIỆN ĐỊNH Ư CỐT PHÁP
Con người ta, xem quý tiện được quyết định ở phép xem cốt, ở cốt tướng
Phàm con người ta , bẩm khí của trời đất kết tụ ở người mẹ lại mà thành thai. Hiền ngu, quý tiện, đời người ngắn dài, gặp gỡ cát hung, đều do ở xã hội và cốt tướng quyết định. Cốt là vua, là chủ, thịt là bề tôi, là kẻ dưới. Thịt, xương cùng bổ trợ cho nhau một cách hài hòa thì có quý tướng. Các đầu xương mà lộ ra , lồi ra, thịt da vừa mỏng vừa yếu, thì tất ở địa vị thấp hèn. Chính vì vậy, bần tiện, phú quý, đều do hoàn cảnh sống và sinh khí trời cho mang tới, dẫu quỷ thần cũng không thể thay đổi. Bậc hiền thánh cũng chẳng thay đổi được.
Tống Tể Khâu, trong Ngọc quản chiếu thần có nói: Xương khớp giống như vàng đá, cần to lớn, thanh nhã mà không nên cong vậy, cần tròn trặn mà không nên thô lỗ. Người béo không nên đến mức như đeo thêm thịt. Kẻ gầy thì không nên đến độ lộ cả xương khớp. Thịt và xương phải tương xứng với nhau. Khí và sắc phải tương hòa với nhau mới là phúc tướng. Cốt cách lạnh, phát triển không đủ, không chết yểu thì cũng bần hàn. Ở bên trái của nhật giác, ở bên phải của nguyệt giác, mà có xương nổi lên thì gọi là kim thành cốt. Người này có thể lên tới ngôi công khanh. Ấn đường mà xương cũng nổi lên như vậy, chạy mãi tới vùng thiên đình, thì gọi là thiên trụ cốt, nổi lên tới thiên đình cũng cao như vậy, thì gọi là phục tê cốt, đều có thể chiếm ngôi tam công. Tuy có tướng cốt như vậy, nhưng lại cần có các bộ vị khác có phù hợp không, nếu không, tuy có phúc, sống lâu, nhưng không quý. Xương quyền ở gò má, kéo ra tới tận tai, gọi là ngọc lương cốt, chủ về thọ khảo. Từ cánh tay trên cho tới khuỷu tay, gọi là long cốt; tượng trưng cho vua, nên vừa dài vừa lớn, từ khuỷu tay cho hết bàn tay, gọi là hổ cốt, tượng trưng cho bề tôi, lại nên vừa ngắn, vừa nhỏ. Đại phàm cốt tướng, cần phải rắn chắc nhưng nở nang tròn trặn. Cao thẳng mà lại nhịp nhàng. Kiên cố mà không thô lỗ. Đấy mới thực là tướng cốt vững vàng vậy. (1)
(1) Nguyên văn của Nhân luận đại thống phú rất ngắn gọn. Chúng tôi đặt lui vào nhiều và gạch chân. Những lời chú dài hơn nhiều, cụ thể hóa những nhận xét tổng quát của Hành Giản. Vì vậy chúng tôi đặt lui ra lề hơn. Những lời chú này nếu của chính người chú là Diên Niên thì thường ngay sau lời kinh của Hành Giản và không có xuất xứ. Chúng tôi phân biệt nhưng lời chú của những người, những tác phẩm khác nhau này bằng cách trừ ra một hàng (Tất cả các chú thích như thế này, nếu có đều là của người dịch L.V.Đ)
Sách Thanh giám viết: Cần phải biết rằng xương quyền có bốn trường hợp khác nhau: Thứ nhất là nó kéo dài ra phía sau cho đến tận tai, đó chính là điềm sẽ sống lâu. Trường hợp thứ hai là xương quyền, kéo mãi lên thiên thương. Trường hợp thứ nữa là nhô cao hẳn lên, hoặc là quyền kéo về phía râu cằm. Cả ba trường hợp sau, đều trở thành những viên quan giám sát thuộc sứ, là quan lớn thống trị một địa phương.
Sách Tạo thần lục thì chép: Mũi cao, xương quyền đầy đặn, nở nang, chính là cốt tướng của con người đường hoàng, quân tử.
Sách Thông tiên ngữ thì viết: Xương quyền đầy đặn, cao như núi, ngọc chẩm cũng như vậy, thì con người này chính là bậc hiền thần của triều đình.
Thành Hòa Tử thì bảo: “Những xương này tuy đầy đặn, nhưng không được cao nhọn, mặt mày nở nang, nhưng không được đầy thịt. Nếu không, cũng chỉ thành một viên lại, viên quan dung tục, tầm thường. Có người lông mày thưa, đôi mắt đẹp, trong sáng, thần khí thanh cao, tất sẽ trở thành trí thức. Có người da thô, đầy thịt, xương cốt nặng nề, thần khí dơ bẩn, thì chỉ có thể là hạng chân lấm đất, tay đầy bùn. Có kẻ xương cốt nhẹ nhàng, nhưng da thịt mỏng thì sẽ là người thợ. Còn kẻ xương thô, thịt dày thì chắc chắn là người buôn bán. Những kẻ cổt khí đầy đặn, sáng láng, tinh thần thong dong, thì sẽ có một cuộc đời vui vẻ. Cốt đẹp, thịt mỏng, tinh thần lộ ra ngoài, thì đời sống đầy lo buồn.
Mặt thì đen, nhưng thân người thì trắng là quý tướng thứ nhất.
Mặt thô, nhưng người lại nhỏ nhắn là quý tướng thứ hai.
Tay dài chân ngắn, là quý tướng thứ ba.
Người nhỏ, nhưng tiếng lớn là quý tướng thứ tư.
Long cốt vừa to vừa dài, nhưng hổ cốt nhỏ nhắn, là quý tướng thứ năm.
Mặt ngắn nhưng mắt dài, là quý tướng thứ 6.
Không hề có mùi hôi mà lại có mùi thơm là quý tướng thứ 7.
Trên đỉnh đầu, có núm thịt nổi lên là quý tướng thứ 8.
Lưng nổi như mai rùa là quý tướng thứ 9.
Ngồi một mình như dáng núi, là quý tướng thứ 10.
Nếu ngược lại những điều này, thì là những tướng xấu. Ngoài ra tướng xấu còn là: đỉnh đầu nhọn, sơn căn gãy hãm, xương lương tiết chạy ngang, chóp mũi vừa nhọn vừa nhỏ. Một người vừa có bộ mặt với thần sắc khác thường, không có khí thái, nói không ra tiếng, đó chính là một tướng cách thật đê tiện.
Sách Nguyệt ba động viết: Ngọc chẩm, phần trên dưới của hai tai là bách hội. Phía trước hai tai là trán. Phía sau là não. Phía trước của não là tinh đường. Phía sau là ngọc chẩm. Xương ngọc chẩm này được chia ra làm hai mươi mốt loại, nhưng đều là công hầu phú quý cả. Các dạng cụ thể của tướng ngọc chẩm này được trình bày như sau:
Xa trừu chẩm, sách Linh đài bí ngữ nói rằng: tướng này, thuở niên thiếu khốn khó, nhưng đến trung niên thì hưng thịnh, về già thì suy yếu.
Ngưỡng nguyệt chẩm: tính tình cứng rắn, đây cũng là quý tướng.
Phúc nguyệt chẩm: tính tình nhu hòa, cẩn thận, nhưng thiếu quyết đoán.
Bối nguyệt chẩm và phương cốt chẩm: cũng là quý tướng nhưng thấp hơn.
Nhất tự chẩm: tính thành tín, cương trực, quý tướng.
Thập tự chẩm: tính nóng vội, hay nói nhưng không để ý, không kiên định, cũng là quý tướng.
Hồi hoàn chẩm: cũng gọi là xa phúc chẩm, ông nội, cha con đều quý hiền.
Tả triệt chẩm và hữu triệt: sống lâu, được hưởng thừa sự nghiệp của tổ tông, cũng quý tướng nhưng không nhiều.
Tam quan chẩm: trong một nhà thế nào cũng có người này người khác hiển đạt.
Kê tự chẩm: tính tình nóng vội, cực đoan, luôn luôn cho mình là đúng.
Sơn tự chẩm: thành tín, cương trực, cũng có tên là hoàng sơn nhất tự chẩm.
Liên chẩm, cũng có tên là liệt hoàng chẩm: nối liền với xương ngọc đường, quý hiển, trường thọ, tính tình bất thường.
Phẩm tự chẩm: người này thanh nhã, nhiều tài văn chương nghệ thuật, danh giá, tự trọng cao.
Huyền châm chẩm và thùy châm chẩm, còn có ngọc chẩm: đều là tướng sống lâu.
Tử tôn chẩm: được gần với bậc cao quý, có lộc, nhưng không có quan.
Đinh tự chẩm: tính tình khoan hòa, được gần bậc tôn quý.
Yêu cổ chẩm: được tôn quý ngay từ lúc niên thiếu, nhưng tính tình không bình thường, sự nghiệp lúc thành lúc bại, lại hay phản phúc.
Như châu chẩm: được gần người quý hiển, nhưng tính tình viễn vông.
Thượng tự chẩm: chí cao, gan lớn, thành bại thất thường, cũng có một ít quan lộc, quý tướng nhưng không nhiều. (2)
(2) Những loại ngọc chẩm này, chúng tôi vẽ từng loại một theo đúng nguyên bản chữ Hán
Sách Kinh viết: Phàm người ta khi sinh nở ra mà có ngọc chẩm, đều là quý tướng. Như các bậc tăng đạo, nếu có ngọc chẩm, tuy không quý, nhưng sẽ được trường thọ. Phàm người ta, có ngọc chẩm, nghĩa là hậu chẩm cốt, chỉ cần nổi lên thành xương, đều là tướng sống lâu, có tài tiền, có lộc. Nhưng nếu chỗ cao chỗ thấp không đều, thì cũng khó mà có được lộc thọ. Phụ nữ mà có được ngọc chẩm, thì cả đời được tôn quý.
Sách Linh đài bí quyết viết rằng: Ở lúc còn trai trẻ, đầu mà có quý cốt, thường được chia làm 13 loại khác nhau:
Hoa cáo cốt, cốt cách cao quý, tôn trọng quỷ thần, tin tăng đạo.
Phong trì cốt: chủ về văn chương, tính tình ôn thuận.
Liên phong cốt: chủ quý.
Hành sơn cốt: gần được bậc quý hiển, thanh nhàn, hay giao kết với tăng đạo, trong nhà đông đầy tớ, cũng lập được ít nhiều công danh, nhưng không lớn.
Thấu đính cốt: chủ quý nhưng không yên ổn.
Tả toàn giác cốt: chủ có công danh trong nghề võ.
Lưỡng bách hội cốt: chủ về việc kiếm ăn nơi xa, tứ phương tám hướng tiền tài dồn về.
Lưỡng hổ nhĩ cốt, chủ dũng cảm oanh liệt.
Lưỡng ngọc đường cốt: trường thọ, nhưng không thích nghi lúc về già nên tắc hãm.
Về trán cũng chia làm 33 loại khác nhau:
Nhật giác: được gần bậc tôn quý, tổ vinh hiển.
Nguyệt giác: được gần bậc tôn quý, bà nội vinh hiển.
Phục tê: là tướng đại quý.
Phụ chủng cốt, là điềm lăng mộ tổ tiên phong thủy tốt, cố nội có quyền thế.
Thanh lăng cốt: thanh danh hiển diệu mà lại cao quý, nhàn hạ, hay đi lại với bậc tăng đạo.
Phòng tâm cốt: có thể hiển đạt về mặt văn chương, nghệ thuật, thanh danh hiển diệu.
Nội phủ cốt: chủ tài lộc, hiển quý, quan tước hách dịch.
Lưỡng quyết môn cốt, chủ quyết đoán, tính tình cương trực, mãnh liệt.
Lưỡng cửu quá cốt: tính tình cương liệt, nhưng thường tin những điều mê tín.
Lưỡng biên địa cốt: thích nghi với việc phát triển ở nơi xa.
Lưỡng sơn lâm cốt: chủ về việc lập lăng mộ cho tổ tiên.
Trung chính cốt: chủ việc hiển đạt mẹ cùng vợ con, cùng nội ngoại tổ tiên đều được quý hiển.
Ngọc linh cốt: là dự triệu của tính tình cương liệt, tính tình cương trực nhưng cô độc, quyết đoán.
Lưỡng phó mi cốt: vợ con, gia tài không nhiều nhưng thanh cao, quý hiển, danh cao nhưng chức nhỏ.
Lưỡng long giác cốt: tiếp cận được kẻ hiển quý.
Lưỡng cương cốt: tính cách mãnh liệt cứng rắn, không hòa đồng được với người thân, không thích hợp với ngôi cao.
Lưỡng chiến đường cốt: chủ quý, có công về binh nghiệp, dũng cảm.
Tư không cốt: thích nghi với việc bình thường, yên ổn, cuối đời có thể tắc hãm, tỏ lộ ra ngoài thường gặp chuyện dữ.
Thiên trung cốt: thích nghi với ngôi cao, hiển đạt, tiếp cận được quý nhân, tổ tông uy nghi hách dịch, ít gặp rắc rối.
Thiên đình cốt: thích nghi với ngôi cao, không hay gặp chuyện tắc hãm.
Ấn đường: điềm có quan tước, quyết định tính cách của con trai, con gái không hay gặp chuyện phá tán tắc hãm.
Sơn căn cốt: chủ về hôn nhân, tiền của.
Lưỡng quyền cốt: chủ về chức quyền.
Mệnh môn cốt: men theo nghiệp tiền nghiệp.
Lưỡng hiệp cốt: tính cương quyết, thích hợp với việc làm ăn nơi xa.
Lưỡng kiên cốt: chủ về việc mua bán xuất nhập.
Thọ cốt: chủ việc trường thọ, thích hợp với những việc ngay thẳng, không hợp với những việc lộ liễu, tắc hãm.
Lưỡng mệnh môn: thích nghi với cảnh ôn hòa, bình thản, sáng láng, nhuận trạch, tướng tốt lợi.
Vị hạn, địa các: chủ về điền địa, phòng ốc.
Lưỡng kiêm cốt: chủ về xuất nhập, buôn bán, thịnh vượng, tốt.(3)
Lưỡng hổ nhĩ cốt: ở bên dưới hai tai, thì chủ về việc dũng cảm, sống lâu.
(3) Hình như tác giả nhầm: Lưỡng kiên cốt đã nói bên trên.
2 – ƯU HỈ KIẾN Ư HÌNH DUNG
Từ xưa đến nay, lo lắng và vui vẻ đều biểu hiện ở dung mạo
Lo lắng, vui mừng về chuyện chưa xảy ra là điều con người không thể làm. Nhưng khi những điều lo mừng kia chưa đến, thì khí sắc có thể đã xuất hiện trên nét mặt. Điều tốt, khí sắc vui mừng, điều xấu, khí sắc u ám. Có thể hiểu những biểu hiện của khí sắc như thế này:
màu sắc xanh, dự liệu cho những chuyện lo lắng, sợ hãi, nghi ngờ;
màu đỏ, những chuyện đôi co về lời nói, miệng lưỡi
màu trắng, có chuyện khóc lóc;
màu đen, chuyện chết chóc, tang ma;
màu vàng, có chuyện vui mừng.
Bàn việc xuất hiện những sắc khí khác nhau trên nét mặt, thì nhỏ như con tằm nhả tơ, như con ong nhả mật, nhưng với những người có con mắt tinh tường, lợi hại thì tất cả mọi việc đều rõ ràng. Quan sát các phần khác nhau khí sắc bộ mặt, cần nhanh nhạy, nên cần quan sát từ chuẩn đầu trở lên tận thiên đình, ở tất cả các bộ vị, rồi sau đó quan sát nhân trung, địa các, trên dưới mắt, bên phải bên trái lông mày. Một khi trên mặt xuất hiện những màu sắc bất thường, như ở các vùng chuẩn đầu, thiên đình, ấn đường, thì chỉ trong vòng năm ngày, tai họa sẽ đến.
Sách Ca viết: Những điều nhất thiết phải biết là sắc xanh thuộc về mộc, hỏa là của sắc tím, sắc hồng, kim là của sắc trắng, thổ thuộc sắc vàng, thủy là sắc đen.
Mùa xuân thì cần có sắc xanh.
Mùa hạ thì cần có sắc hồng.
Mùa đông mà có được sắc trắng, sắc đen thì những điều vui sẽ đến liên tiếp.
Mùa thu mà có sắc trắng thì hợp thời, hưng vượng.
Nếu mà, không có gì thay đổi thì mọi chuyện bình thường. Nhưng,
mùa xuân mà có sắc trắng, thì đó chính là khí sắc đối nghịch, tương hình chi sắc. Màu vàng là phản nghịch, màu đen là tương sinh, màu xanh là hòa hợp.
Mùa hạ mà có màu đen là màu tương hình, màu trắng là màu phản nghịch, màu xanh là màu tương sinh, màu hồng là màu hòa hợp.
Mùa thu mà có màu đỏ là màu tương hình, màu xanh là màu phản nghịch, màu vàng là màu tương sinh, màu trắng là màu hòa hợp.
Mùa đông mà đi với màu vàng là màu tương hình, màu đỏ là màu phản nghịch, màu trắng là màu tương sinh, màu đen là màu hòa hợp.
Sách Quy giám viết rằng: lo mừng khác thường, không thể không hiện lên khí sắc. Khí sắc có to, có nhỏ, có khi căng rộng, có khi co lại. Tùy theo thời gian mà thay đổi. Nó không bao giờ cố định từ đầu đến cuối. Khí sắc tươi tốt, cũng có khi là điềm báo một việc hung hiểm. Hình dung khô xác lại báo một chuyện tốt lành. Điều này phải tùy thuộc vào những hoàn cảnh khác nhau mà quan sát. Căn cứ vào những thời điểm khác nhau mà xem nó biến hóa như thế nào. Khí sắc lúc sơ khởi, là do ở ngũ tạng mà phát sinh ra. Buổi sáng sớm trong lành thì xuất hiện trên khuôn mặt, đến chiều tối thì nó lại trở về với ngũ tạng.
Khí sắc có khi hiện rõ lên khắp khuôn mặt, nhưng cũng có khi nó như sợi tơ tằm, dài như một sợi dây, nhưng cũng có khi ngắn như một hạt gạo, nhỏ như một hạt bụi. Có lúc thì nó xuất hiện ở chân lông mà ra, có khi biểu hiện ở những mạch máu. Khí sắc có lúc thịnh lúc suy. Tính chất có lúc cát, lúc hung.
Cần phải vận dụng sự biến hóa của ngũ hành mà quan sát. Màu xanh là dự liệu có tang cha mẹ. Màu xanh này càng biếc, càng thắm lại là điềm cha mẹ cùng qua đời. Còn như màu xanh vừa nhạt, nhu hòa, là điềm có nỗi lo hoạn nạn nào đó sẽ tới. Màu xanh nhạt dần rồi tiêu tan, thì cũng là điềm nỗi lo, hoạn nạn đã qua. Còn như màu trắng sáng đẹp, là điềm có chuyện đáng khóc, màu trắng mà lại tươi nhuận là điềm có đại tang. Màu trắng phớt nhẹ, là dự triệu tiểu tang. Màu đen u ám, chủ về bệnh tật, chết chóc, chiến tranh. Màu đen mà càng đậm, là điềm sẽ chịu đánh đập hình trượng, mà chết. Khí sắc đen tối, chính là điềm bệnh trọng mà chết. Màu trắng khí trắng, màu đen, khí đen nhạt dần, tiêu tán là báo hiệu tai họa dần qua, hoặc đã hết. Màu đỏ, là điềm có chuyện kinh hãi, lo sợ, dự triệu có chuyện kiện tụng, ngôn từ, tranh đoạt, dẫn đến đòn roi, có họa lao ngục, nếu màu đỏ này càng đậm, càng tươi tốt. Màu đỏ mà lại khô xác, là điềm trong gia đình có chuyện tranh chấp, lời qua tiếng lại.
Trong các loại khí sắc, màu đỏ là màu khó chế ngự hơn cả. Có thứ là do quá nóng trong tâm, mà hiện lên thành màu đỏ trên mặt; có thứ là do tinh thần giận dữ, mà khiến cho sắc diện có màu đỏ. Có loại rất nhanh chóng tiêu tan, có thứ kết thành oán giận sâu sắc ngày qua tháng lại không tiêu trừ được. Trong đó, màu sắc của tật bệnh, quan ngục, lại có màu đỏ khác nhau, không thể đánh đồng, mà phải tùy theo thực nghiệm mà nhận xét vậy thôi. Màu vàng là điềm của vui mừng. Màu vàng càng đậm càng tươi, niềm vui càng lớn. Màu vàng nhạt, nhỏ, là chuyện vui mừng của vợ con, màu vàng khô, là điềm niềm vui chấm dứt.
Mỗi một khi màu khí thay đổi, đột ngột xuất hiện, thì điềm chóng vánh sẽ dẫn đến. Còn như nó hình hiện dần dần, thì sự việc cũng theo nó mà chậm tới. Nói cho cùng ra là: hiện chậm, dần dần từ nhỏ tới lớn, công việc sẽ tới. Khí sắc đậm, thì điềm ứng với nó càng mãnh liệt. Khí sắc nóng nhạt thì điều tới sẽ nhẹ nhàng, vừa phải. Khí sắc dần tiêu tán, thì dự triệu không thành, không có kết quả.
Màu vàng lúc mới xuất hiện, giống như màu tơ tằm mới nhả, càng ngày càng hưng vượng đã là màu của kén, hoặc giả như màu lông đuôi ngựa đến thời kỳ tiêu tán, nó sẽ như màu vàng của lá liễu lúc tan lúc hợp.
Màu đỏ lúc mới xuất hiện, giống như ngọn lửa mới nhen lên, đến lúc hưng khởi chẳng khác gì màu đỏ của lụa điều, của gấm đoạn. Và đến lúc tiêu tán, như những hạt châu hồng, lúc tụ lúc tán, để rồi mất hẳn.
Màu trắng lúc mới hình thành, chẳng khác gì tro tàn bị cái que khêu dậy, đến lúc hưng vượng, nó như là một lớp phấn trắng được bôi trang điểm trên mặt. Hoặc giả, như một tờ giấy trắng vậy, đến khi phát tán, chẳng khác gì tro đất bụi bị nước thấm ướt.
Còn màu đen khi mới hình thành chẳng khác gì cái lông đuôi của con quạ, nó không khác gì những lông ở đầu quạ mượt mà. Đến khi tan biến, nó như đám bọt nước đen.
Màu xanh khi mới xuất hiện, chẳng khác gì màu đông xanh, đến khi phát triển, như màu xanh của lá non mới nhú. Đến khi tiêu trừ, không khác gì đám mây xanh xa xôi.
Phàm khí sắc, tuy tụ nhỏ, nhưng vẫn rất rõ ràng nhất là lúc mới xuất hiện, càng tinh tế. Cho đến khi đã thành rõ rệt, to lớn, thì sự việc đã phát triển tới mức độ cao rồi. Khí sắc nhạt dần, công việc đến thời kết thúc khí sắc lúc mới, nó cũng mờ ảo như màu mây khói. Lúc nổi lúc chìm, lúc đậm lúc nhạt như năm sắc mây trời. Cần phải phối hợp với bốn mùa và quan sát tinh tế:
Với ba tháng của mùa xuân thì màu xanh là màu thịnh vượng. Màu đỏ là màu tương hòa, màu trắng là màu chết chóc, màu vàng là màu tù tội, màu đen là màu nghỉ ngơi.
Với ba tháng của mùa hạ thì màu đỏ là màu thịnh vượng, màu vàng là màu tương hòa, màu đen là màu chết chóc, màu trắng là màu tù tội, màu xanh là màu nghỉ ngơi.
Với ba tháng của mùa thu thì màu trắng là màu thịnh vượng, màu đen là màu tương hòa, màu đỏ là màu chết chóc, màu xanh là màu tù tội, màu vàng là màu đen nghỉ ngơi.
Với ba tháng của mùa đông thì màu đen là màu thịnh vượng, màu xanh là màu tương hòa, màu vàng là màu chết chóc, màu đỏ là màu tù tội, màu trắng là màu nghỉ ngơi.
Đại ý thì là: màu vàng là màu của thổ, của đất; cho nên cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đều thịnh vượng. Đó cũng là sinh khí để nuôi dưỡng mầm thai. Vì vậy, màu vàng đa số là điềm triệu tốt lành. Mùa xuân, khí sắc cần phải rộng rãi, mùa hạ thì cần phải phát triển, mùa thu thì trời như hạ xuống, mùa đông cần phải ẩn dấu. Làm thế nào để trong bốn mùa khí sắc đừng tương phản, mới là điều cát tường. Khí mạch cần phải phù hợp. Khởi, bước đầu là ở ý nghĩ, sau là động tác tay chân. Mở mang, rộng rãi, đàng hoàng, nhưng phải ngay thẳng. Hạ, là thấp xuống. Hình tranh của sắc có lúc dài, lúc tròn, phải căn cứ vào khí mà đoán định.
Sách Ngọc quản chiếu thần luận chép: Luận về hình, có năm loại đái sát, mang theo tính chết chóc: hỏa khí bốc đầy con mắt, đó chính là nhãn đái sát. Mạch nhỏ mà dài, đỏ như lửa thần sắc hôn mê, khi trầm, khi say, đấy chính là thần đái sát. Tiếng như đánh thanh la, chính là thanh đái sát. Thích giết đánh người hại vật chính là tính đái sát. Tứ chi cùng các cơ quan có chỗ thương tật, chính là thể đái sát. Nếu thuộc năm loại đái sát này, tính tình thường hiểm ác. Điềm triệu khó mà tránh khỏi cái chết bất thường. Còn như làm các không đến nỗi lớn, thì cũng phải chịu cảnh trói buộc đổ vỡ khốn khổ.
Có bài luận thiên la như sau: mặt nổi bốn phía sắc đen, đấy chính là tử khí thiên la. Khắp mặt hiện sắc trắng, đó là tang khốc thiên la. Khắp mặt xanh một màu, đất là lo buồn thiên la.
Cả mặt một màu vàng, đó chính thị tật bệnh thiên la. Khắp mặt giống như bôi dầu bôi mỡ, đấy là tửu thực thiên la. Mặt mày như say, như ngủ, đấy là mặt của lao ngục thiên la. Ánh mắt láo liên không định, chớp nháy liên hồi, đấy chính là gian dâm thiên la. Thần sắc khô xác, như hơ trên lửa, là phá bại thiên la. Cười nói không thích hợp, không lễ phép, chính là quỷ yểm thiên la.
Sách Biện ngũ sắc sở thuộc cá viết: Mùa xuân quan sát màu xanh trên sắc mặt thì cần để ý tới thái dương, trung dương, thiếu dương bộ vị. Đấy chính là tam dương bộ vị. Mùa hạ, quan sát sắc đỏ thì tất phải để ý tới ấn đường. Mùa thu, quan sát sắc trắng, thì phải để ý niên thượng, thọ thượng bộ vị. Mùa đông quan sát học đường bộ vị thì sẽ thấy được sự thay đổi của sắc đen.
Sách Chiếm Hanh đạt ca viết rằng: Thượng dương bộ vị mà có màu hồng, màu tím, âm vị có màu vàng nhạt, chuẩn đầu sáng bình, đó chính là điềm sống lâu, là triệu chứng tốt lành.
Sách Chiêm tật quyết chép: Ở chuẩn đầu có điểm nhỏ như máu, đó là điểm của bệnh phổi. Hai bên tai như có khói sương, là điềm của bệnh thận. Vùng niên thượng có màu đỏ, là dấu hiệu của bệnh tim. Mắt có màu xanh, dấu hiệu của bệnh gan.
Sách Chiêm hỉ bách nhất ca viết: Một người mà khắp mặt màu vàng bốc đầy, thì là điềm kiếm được tước lộc cao ở triều đình. Còn như ở vùng nhật giác, khí bốc mây lên, thì chỉ trong vòng 1 tuần (4), sẽ được bái nhận chức khanh tướng. Còn những vùng chuẩn đầu có một màu vàng sáng sủa thì là dự triệu của việc vinh hoa cát tường, không vinh hoa thì cũng phát tài lộc. Ấn đường mà có màu vàng nhạt, có màu tím sáng ở thiên trung, long đầu liền với phượng vĩ, sẽ được thăng quan cao. Chỉ cần 1 điểm sắc vàng như tơ xuất hiện ở ấn đường, nam ly, cũng sáng sủa tương ứng, thì là điềm dương danh ở chốn triều trung. Tỏ trạch, tôn trạch cùng với huyền bích có màu vàng thì bản thân vinh quý đã dành mà con cháu cũng được hưởng. Dịch mà có màu vàng, thì có thể đương chức thượng thư. Biên địa xuất sắc vàng thì có thể lập được võ công.
(4) Một tháng chia làm 3 tuần, mỗi tuần 10 ngày, thượng tuần, trung tuần, hạ tuần.
Chuẩn đầu, màu lo âu xuất hiện, tương lai sẽ gặp rắc rối ở cửa công. Màu xanh mà đi vào vùng khẩu giác, thì bệnh tật mà qua đời. Loại người có cái chết như thế gọi là vong hồn. Ở đuôi mắt có sắc xanh nối tiếp với sắc đen, nếu là đàn bà thì sẽ có chuyện lo buồn, hoạn nạn. Màu xanh đen này mà lại thêm tà khí nữa thì chỉ dẫn đến cái chết. Trong vùng ấy, lại xen cả sắc đỏ thì thật khó còn là người nhân thế. Trên mặt mà sắc xanh ngày càng đậm, tai họa sẽ tới vào mùa hạ, mùa thu. Sắc xanh bỗng quy tụ về vùng khẩu giác, thì thân sẽ mắc bệnh trọng mà qua đời. Trên mặt xuất hiện sắc trắng rõ rệt, nếu vào mùa thu thì tương ứng với thời tiết. Nhưng nếu nó quy tụ ở vùng lông mày, vùng trán, chạy về vùng thượng phát, thì sợ rằng sẽ có chuyện buồn đau dồn dập. Lại thêm sắc diện buồn lo còn đi kèm với tai nạn. Những biểu hiện này cứ ngưng tụ mà không tiêu tán thì không thể nào tai họa lại không đến vậy.
3 – HỐI HẬN SINH Ư ĐỘNG TÁC CHI THỦY
Hối hận cùng với tiếc thương, đều theo thời gian mà bắt đầu bằng động tác.
Từ lúc mà điều lành, điều dữ chưa thể hiện, con người ta khó mà biết trước được. Người ta muốn theo đó mà tìm những điều lợi, tránh điều hại, nhưng không hiểu dựa vào đâu mà phát hiện cho được. Sách Dịch nói: “Hối hận, tiếc thương, điều lành, điều dữ đều sinh ra động tác”.
Sách Ngọc quản chiếu thần luận ghi: con người ta khi đi ngồi, ăn nằm, nếu là bậc quý nhân, thì bước đi như mây nói nhẹ nhàng, ngồi như một hòn đá lớn chắc chắn, chính trực, thuần hậu. Ăn nói cẩn thận, tính tình khoan hòa, nhàn nhã. Trương Cảnh Tạng nói rằng: ngồi một mình sừng sững uy nghi như một hòn đá lớn, con người đó quan vị rất cao, con cháu vinh hiển.
Sách Nhân luận quần giám chép: Cùng với người khác chuyện trò, nhưng toàn thân, từ phía trước cho tới phía sau, không thèm chuyển động, chẳng khác gì con rồng bay lên cao, con hổ ruổi chạy, thì bước đi cứ thế mà thẳng tiến với con người này vậy.
Ngụy chủ Tào Tháo nghe nói Tư Mã Ý có tướng của con sói quay đầu, muốn thử tự mình quan sát xem sao, bèn gọi cho Tư Mã vào. Ra lệnh cho Tư Mã đi lại ngay trước mặt. Rồi lại lệnh cho nhiều lần quay đầu lại, quả nhiên Tư Mã quay mặt, nhưng toàn thân người, phía trước cũng như phía sau, hoàn toàn không động đậy. Tào Tháo nói với con mình là Tào Phi rằng: “Tư Mã Ý không phải là hạng người chịu ngồi dưới người khác đâu”. Quả thế, sau này, Tư Mã Ý càng ngày càng mở rộng thế lực của mình, để cuối cùng dòng họ Tư Mã kiến lập nên vương triều nhà Tấn.
Sách Tâm kính viết rằng: Cử chỉ hành động con người như dáng con rồng bay lên, như vẻ con hổ rong ruổi, thì con người này sẽ đạt được ngôi vương công. Dáng đi đứng như con ngan, con vịt, hạng người này chỉ khó nhọc để tích vàng bạc của cải.
Lại nói, dáng ăn uống như con bò, con dê nuốt cỏ, hạng người này của cải phong phú.
Lông mày, đầu tóc thưa thanh tú, đôi mắt linh hoạt, có tinh thần, ngồi tựa như hổ, tựa như rồng phục, không nghe thấy tiếng thở, thì đấy chính là quý tướng, tướng sống lâu.
Còn tướng tiện bỉ, tướng xấu là: Ăn uống không gọn gàng rơi vãi, lòng thòng, đứng ngồi ngả nghiêng, tà vạy, nằm ngủ vẫn lảm nhảm không ra tỉnh, không ra mơ. Đi đứng chẳng khác gì một thây ma. Hơi thở lộ rõ. Ngủ luôn trở mình không yên. Nói năng không nên lời, rớt rãi rơi dài. Lắc đầu xua tay, không ngớt thở ngắn than dài. Lưng nhỏ như lưng ong vàng, dáng đi lại chao đảo vội vàng. Hơi thở ngắn,nhỏ. Tiếng nói vừa khô vừa rít.
Vì vậy Bạch Vân Tử có nói rằng: Lưng như lưng ong, bước đi vừa vội vàng vừa nghiêng ngả, hai vai so lại như sợ lạnh, hạng người này, như con chim hạc trước gió mưa ủ rủ.
Lại nói: Giọng nói khô rít, không thể có tài lộc. Giọng nói nhỏ nhẹ, không có quyền thế, thanh âm nhỏ nhẹ, lại khô rít thì đói cơm rách áo. Chuẩn đầu thường ra mồ hôi, bước đi thì chân nghiêng ngả, không dính đất như dáng ngựa chạy, đầu nhô ra phía trước, đấy rõ ràng không phải tướng tốt vậy.
Người mũi dài thì tham lam, keo cú. Người ngực rộng thì cũng tham bản. Khi ngồi, đầu gối cho tới thân người luôn lắc lư, là một người nông cạn. Dáng ngoài không cung kính, lễ phép, thì hành vi không cẩn thận, nghiêm trang. Cười nói ngọt ngào, hai mắt xinh tươi, không cần phải xem lời gì, làm gì cũng biết là hạng người xiểm nịnh, lọc lừa.
Sách Ca viết: Lúc đi, hai bàn tay múa như rắn, đầu thì cuối xuống, giọng nói như đàn bà, hạng người này đa số là gian trá, hư ngụy nếu không thì cũng hung hãn vô tình. Một con người mà trong lòng có những ý định như ác độc, thì quan sát con mắt là có thể thấy rõ, đó là nơi biểu hiện đầy đủ nội tâm, gian trá, tà khuất. Trong khi nằm ngủ cần yên ổn, tĩnh lặng, không động đậy, người như vậy là người sống lâu. Ngược lại những tướng mạo này, chính là những tướng không tốt, ăn uống không có lẽ tiết, tính tình thô bạo hình dung thân thể không hòa hợp, chính là vậy. Ăn uống cẩn thận, từ tốn, chính là phúc tướng, thọ tướng.
Sách Ca viết: Không nói không cười, chính là con người thâm sâu. Tùy thời tùy lúc nói cười không câu thúc, là con người chính trực. Đáng sợ nhất là hạng người vừa khóc lóc, vừa giận đùng đùng, vừa chửi bới, mỏng môi, nhọn miệng thì thật là không thể chân thực.
4 – THÀNH BẠI, TẠI Ư QUYẾT ĐOÁN CHI TRUNG
Thành công hay thất bại, đều quan hệ ở trong lúc quyết đoán.
Thành công, thất bại, là chuyện được hoặc mất. Con người ta tính toán một việc gì, điều cần là biết quyết đoán hay hồ nghi lưỡng lự. Người xưa nói: Đương đoán bất đoán, phản chiêu hồ loạn. (Lúc cần phải quyết đoán mà không quyết đoán, thì ngược lại chỉ rước lấy sự thất bại mà thôi). Cho nên sự thành bại ngoài sự tính toán mưu kế ra, còn là chuyện biết quyết đoán mới mong thành công. Không quyết đoán kịp thời, sáng suốt, cơ hội đã đi qua, thì thất bại là điều hiển nhiên.
Đường Cử phán đoán sai tướng mạo Sái Trạch, người nước Trịnh nhận sai tướng mạo của Khổng Tử, tất cả đều bởi học thức nông cạn. Cho nên người xưa nói: “Quan sát một con người trước tiên phải xem tam đình: thượng đình, trung đình, hạ đình. Sau đó là nhìn kỹ thái âm, thái dương, xem tinh thần, khí sắc của nó ra sao. Rồi những bộ vị đơn lẻ đó, mà có những phán quyết lớn hơn”.
Ngũ hành: kim mộc thủy hỏa thổ chuyển hóa lẫn nhau, hòa hợp nhau, khắc kị nhau. Tai nghe xem giọng nói thế nào, mắt nhìn xem thể hình của họ ra sao, lòng thì tính toán xem từ khí sắc đã nghe đã thấy mà định cát hung, quý tiện, thì có gì mà chẳng rõ ràng”.
Bậc tướng thuật cao siêu, chỉ cần nghe giọng nói khi trò chuyện, hoặc có tướng thuật chỉ cần quan sát khí sắc, có người lại chỉ cần xem mỗi cốt tướng. Còn đã là bậc tướng thuật cao siêu, mà lại chịu kết hợp tất cả những quan sát đó, thì dù có xem xét hàng trăm người cũng không thể sai sót một người nào cả.
5 – KHÍ THANH, CỐT XẤU, TUY TÀI CAO NHI BẤT CỬU
Thần khí thanh cao, đẹp đẽ, nhưng cốt yếu ớt, tuy là tài hoa tột cùng đi nữa cũng không thể bền, trường thọ.
Thần khí thanh tú, đẹp đẽ, nhưng thân thể gầy gò ốm yếu, thì gọi là Hình thần bất túc. Thường thường trông không có bệnh mà như có bệnh. Tuy vậy, về phương diện văn chương lại vô cùng tài hoa. Nhưng cuối cùng thì không thể trường thọ.
Sách Ngọc quản chiếu thần luận ghi: Đá trong núi ôm ngọc quý trong lòng nó, nhưng bị che giấu bởi sương khói của cả rừng núi. Đáy nước chôn vùi bao nhiêu châu ngọc, nhưng bị che lấp bởi sóng nước đẹp đẽ. Cũng giống như những cái quý báu ẩn tàng được biểu hiện cũng chính là được che giấu bởi nhan sắc bên ngoài. Hình, chính cũng là chất, khí một khi đầy đủ cũng là chất. Hình do khí phát triển mà thành. Thần do chất mà yên định.
Việc được thua không khiến người ắt trở nên bạo ngược, việc vui buồn không khiến cho con người ấy kinh động, về phương diện đạo đức là con người có dung, hữu dung về phương diện thể lượng thì đó là con người có độ hữu độ. Đấy chính là loại người hậu trọng, có phúc.
Hình nếu như cái cây, thì cũng các loại khác nhau: kỷ, hạnh, ngạnh, nam, kinh khác biệt. Thần cũng giống như là người thợ, đẽo cây gỗ để tạo thành khí cụ. Gõ vào khí cụ, nghe âm thanh, mà biết được tốt xấu. Khí giống như con ngựa, cưỡi nó mà ruổi rong, có thể tới những môi trường khác nhau. Người quân tử thì giỏi dùng cây gõ, giỏi dùng người thợ, tài chế tạo khí cụ, tài giỏi điều khiển con ngựa của anh ta. Kẻ tiểu nhân thì ngược lại.
Khí độ khoan hòa thì có thể dung vật, ôn thuần thì có thể dưỡng vật, kiên nghị thì có thể chế vật. Sáng suốt thì có thể lý giải sự vật. Nghiêm chính thì làm cho sự vật phải cung kính. Không rộng rãi mà hẹp hòi, không ôn hòa mà lại bạo ngược, không sáng suốt thì sẽ mê tối, không nghiêm chính thì sẽ tà vậy. Quan sát khí chất sâu nông, thần sắc tĩnh nóng, của một con người thì sự phân biệt giữa quân tử và tiểu nhân rất rõ ràng. Cốt cách ung dung nhưng sâu sắc, ôn hòa không nóng giận, đó chính là phúc tướng, thọ tướng. Thần sắc tính tình hung bạo, vội vàng, đó chính là tiểu nhân.
Sách Quần phẩm quảng giám viết: Phải xem một con người sống chết ra sao, chỉ cần xem sơn căn cùng ấn đường mà có khí xanh bốc lên, thì sẽ sớm lìa trần. Đỗ chính gọi là hồn li.
Sách Nhận nhân luận viết rằng: Trên mặt, khí đen bốc lên bốn mặt, thì gọi là tử khí thiên la. Quản Lộ lại nói: hồn không chỉ ngồi yên trong thân thể, huyết dịch không chỉ có màu đỏ tươi, tinh thần cũng giống như một đám mây trôi nổi, dung mạo thì lại giống như một cây khô. Điều này gọi là hồn u.
Sách Bá Nhạc kinh chép rằng: Hình thể tốt nhất là cao lớn, nhưng không được béo phì. Cao lớn là báo hiệu của vinh hoa phú quý. Nhưng béo phì lại là báo hiệu của cái chết sắp tới.
Lại nói: một người gân cốt già dặn, nhưng dung nhan lại tươi non, thì chẳng sớm thì muộn, sẽ qua đời trước tuổi ba mươi sáu. Tuổi thiếu niên mà đã phát phì, hơi thở vừa ngắn vừa nông, sắc da tươi thắm căng tròn, mà sống được tới bốn mươi tuổi là điều đáng kinh ngạc.
Sách Thần giả chép rằng: Không say mà xem như say. Không buồn mà ra dáng buồn. Không có điều gì phải kinh sợ mà tinh thần bất định, con người như vậy, dầu có vinh hoa phú quý thì cũng đến tuổi trung niên sẽ qua đời.
Trần Đồ Nam nói rằng: Lông mày dài, kéo đến tận ấn đường và nối tiếp nhau là điềm sẽ qua đời ở tuổi trung niên. Nhất định không thể sống quá bốn mươi tuổi. Không những thế mà còn phương hại đến vợ, con trai con gái. Lông mày giao nhau che khuất cả ấn đường, loại người này không thể có tài (5). Thứ nữa là không thể sống lâu.
Lại nói: khí sắc của người đơn bạc cơ hàn, thì cả tài lộc lẫn trường thọ đều rất khó khăn.
(5) Chữ tài, có những trường hợp đồng âm, dễ hiểu nhầm, phải căn cứ cả nội dung. Tài có khi có những điều hơn người, như tài hoa. Có khi là tiền nong, như hóa tài, tiền tài.
Trần Huấn nói rằng: Dịch mã không bằng phẳng, biên địa hẹp hãm, những người như vậy thì thọ mệnh không thể lâu dài.
Sách Động nguyên kinh chép rằng: Khí có hai loại, có nội khí và ngoại khí. Khi tản khai, nó như khói mù. Khi tụ lại thì nó như lông tóc. Hiện ra trên da thịt. Có đủ năm màu: xanh đỏ vàng trắng đen. Đỏ chính là ngoại khí. Khí của bậc quân tử, từ đơn điền phát ra. Sự hô hấp của họ vừa sâu vừa dài, vì vậy sự dưỡng nuôi của nó dài lâu, to lớn. Sự sinh phát của nó thâm hậu. Cái khí của kẻ tiểu nhân, nó xuất phát ngay ở ngực, chẳng khác gì cách thở của loài khỉ hầu loài chuột bọ, rất ngắn, rất nhanh, do đó hấp thụ được ít. Vì vậy việc dưỡng nuôi cũng mỏng manh, không thể trường thọ. Nhan Hồi (6) dung mạo tươi đẹp, nhưng tiếng nói nhỏ yếu, ngọc lương, thọ cốt vừa ngắn, vừa mỏng, ngũ tạng không hư, nên không thể sống lâu.
(6) Nhan Hồi, học trò giỏi của Khổng Tử, cũng gọi Nhan Uyên, Nhan Tử, nhưng chết sớm:
Thương thầy Nhan Tử dở dang,
Ba mươi mốt tuổi tách đàng công danh.
(trích Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu).
6 – THẦN CƯỜNG CỐT TRÁNG BẢO HÀ TOÁN DĨ VÔ CÙNG.
Tinh thần khỏe khoắn, hưng vượng, cốt cách cường tráng, thì có thể giữ được sự trường thọ đến vô cùng.
Sự thọ yểu của người đời, đều được phản ánh ở thần khí. Nhưng thần khí cũng theo cái lý của nó cũng lại do cốt quyết định. Nếu như thần khí khỏe mạnh, hưng vượng, cốt cách cường tráng, nhất định sẽ sống lâu và vì vậy mà nói vô cùng.
Sách Trửu hậu ghi rằng: Cốt luôn phải được nuôi dưỡng, nhưng nó có thể luôn nghịch phản. Tinh thần thâm hậu, thuần tĩnh, có thể khỏe mạnh trường thọ.
Sách Thần giải chi chép rằng: Từ chỗ hư không mà có thần, thần hóa thành khí, thần lại do chính cốt sản sinh, cốt là cái nền, cái gốc của thân thể con người. Muốn bảo toàn được hình thể con người, trước tiên phải điều khiển được tinh thần.
Tinh lực sung mãn, khí chất ổn định, tinh thần sẽ hài hòa. Huyết khô khí tán, thần cũng sẽ dần tiêu vong, thần tiêu vong, thì ngoại hình cũng khô kiệt, gân cốt ly tán, đó là con đường dẫn tới cái chết yểu mệnh.
Sách Tam bổ tân thư ghi rằng: Thần là cái không thể cải biến, khí thì có lúc vượng lúc suy. Trong cảnh hỗn mang ban đầu, khí xuất hiện, hình tạo ra, thần yên định, khí có nơi ký thác. Khí tướng giao hòa, phát triển mà hình ngày càng trưởng thành.
Sách Chú giải viết rằng: Thần có nơi trú nơi nghỉ, thần của có nơi phát viễn. Ngộ là thần đang tàng trong mắt, Mị là khi thần đang yên nghỉ trong lòng. Trong biến hóa thì có sinh, nhưng thần thì không sinh, trong biến hóa có chết, thần cũng không có chết. Chính vì vậy mà ngày xưa có những đạo nhân, không chịu những tập tục của nhân gian, không chịu những nhơ bẩn, bụi bẩn của cuộc đời, giác ngộ được những lẽ huyền diệu của thần khí, trở thành một bản thể với thiên không, cùng vận động với tự nhiên vô cùng. Học thức đạt tới mức độ này, họ trở thành thánh nhân. Và nếu thấp hơn, họ trở thành những hiền nhân. Than ôi ! Thần ở trong lòng người vận động, đó chính là linh hồn của con người. Tàng ẩn, nghỉ ngơi trong lòng người ta, và biểu hiện ra ở hai con mắt.
Thần ở mức độ cổ là mức thượng đẳng, sau đó là thanh, sau nữa là tú, và tiếp là tàng, cuối cùng là mị.
Không cần động đậy mà vẫn thể hiện được vẻ uy nghi là cổ.
Ánh mắt lấp lánh, đường hoàng, gọi là thanh.
Cao khiết, tiêu sài, khiến cho người ta yêu mà không lớn thì gọi là tú.
Rộng rãi, khoan hòa, trầm tĩnh, trông như đang biến hóa, thì gọi là tàng.
Sáng láng sạch sẽ, không có một sự kiềm thúc nào, gọi là mị.
Mị tuy cũng tôn quý nhưng không tránh khỏi a dua, nịnh nọt. Dễ kiếm được một chức quan, nhưng cũng dễ bị mất chức, không thể coi là thần vận tốt được.
Còn ngoài ra đều là hạng thần trí hôn trọc, bẩn thỉu. Nhìn ngửa nhìn nghiêng, tà vạy, khiếm khuyết. Lại nữa, những con mắt, bốn bên trắng dã những vạch mạch máu màu đỏ trong con ngươi, như say như si, như bệnh tật, như khốn khó, đều là hạng bần khốn hạ tiện, hung ác làm loạn để rồi rước vạ, thế nào cũng vào vòng tù tội, đều là những tính cách bất hảo.
Thần, từ khí sắc mà có thể phân biệt, từ hai con mắt mà có thể phân rõ người hiền, kẻ ác. Cũng chính vì vậy, mà Mạnh Tử khi quan sát con người, đều xem tròng mắt sáng hay tối, thì rồi từ đó mà tà chính trong lòng sẽ nhận ra rõ ràng. Chỉ đáng tiếc thay các bậc vương công đại nhân lại không biết đến cách nhìn nhận con người này, mà lại vứt bỏ đi.
Quản Lộ nói rằng: Một người tinh thần khiếp nhược, như sợ như say, thì thọ mệnh chỉ trong vòng bốn mươi tuổi, mà chẳng thành công trong một việc gì cả
Bạch Các Đạo giả nói: Người dương hình, kỵ nhẹ nổi; người âm hình kỵ cuồng vọng, những người mà trên mặt có những vằn thì thường tính tình khác thường. Họ thường thiếu thần cùng khí, dẫu có quan chức, tài lộc cũng không được lâu dài.
Trần Hi Di (7) nói rằng: Người dương hình thì khi dương tận cũng hết đời, người âm hình nhân, khi mà âm hư thì thọ mệnh cũng theo đó mà gãy tan. Âm hình nhân, người cần thanh tú sáng sủa. Dương hình nhân lại cần đẫy đà, to lớn. Cả hai đều khó mà hoán chuyển, đối kháng thì mới có thể trường thọ.
(7) Trần Hi Di, tức Trần Đoàn, tự Đồ Nam, người đầu đời Tống, khoảng thế kỷ X, tinh thông dịch lý, thường lấy nó mà suy xét vận mệnh trời đất, xã hội.
Sách Nhân nhân luận có viết: Phục tê cốt, giữa ấn đường và tư không, nổi lên có thể thấy như móng tay, từ thiên trung kéo tới thân đình ở tận đỉnh đầu, thì gọi là thiên lương cốt.
Sách Linh nhạc kinh viết rằng: Người mà phục tê cốt kéo dài tới tận thiên lương cốt, từ ấn đường mà kéo lên tận đỉnh đầu, đó là con người trường thọ. Nếu như lại có văn tinh bảo hựu, giúp đỡ, thì ngay từ trung niên đã làm quan to.
Sách Linh bí luận chép: Hai hàm răng chỉnh tề ngay ngắn, chẳng khác gì gốc đá bày hàng khít khao, lưng thì như tam giáp, bụng như tam nhâm, đều là những cốt cách trường thọ.
Nguyệt ba động trung ký nói: ở dưới cùng mà xuất hiện những hoa văn, nhăn nhúm vậy (???!!!!).
7 – NHAN NHƯ QUAN NGỌC
Dung nhan đẹp như ngọc vậy
Nhan như quan ngọc. Quan ngọc, tức là ngọc đẹp vậy. Nhan sắc con người không phải cứ xanh đen là hạ tiện, không phải cứ trắng hồng là cao quý. Mà cần phải có vẻ đẹp ôn nhuận của ngọc. Bộ mặt thì sáng sủa trong sạch ôn nhuận. Giống như viên ngọc đẹp không có tì vết. Đó chính là quý tướng, nhưng không được nhu nhược.
Sách Quỷ Cốc Tử nói: Khí sắc nhu nhược, đó là con người ốm yếu. Dẫu có to cao, cũng khó mà trường thọ. Màu của hai tai cần phải trắng hơn màu của khuôn mặt. Tiếng nói rõ ràng có thể truyền đi xa, con người như vậy, thì phẩm cách cao quý, có thể đạt khoa cử, làm quan. Mặt mày lúc nào cũng như chùi dao mỡ, đó là tướng mộc dục, thiên la, không thể tiến xa được.
Trần Hi Di nói: Nhan sắc như đóa hoa mùa xuân, nhưng chóng nở cũng chóng tàn. Chỉ một thời một lúc thì thấy đẹp, nhưng chẳng bao lâu thì đã suy thoái.
Trần Bình, dáng đẹp như ngọc. Giáng Hầu Chu Bột và Dĩ Âm Hầu Quán Anh đều nói: “Trần Bình, một người đàn ông thật đẹp trai. Sáng sủa ôn nhuận, chẳng khác gì viên ngọc vậy”. Về sau, Trần Bình làm tới thừa tướng.
Dung mạo mà quá đẹp, quá tươi tắn, cũng là điều bất thường. Ngoại hình không cần quá nghiêm túc, đứng đắn, nhưng khí sắc không được nhu nhược. Quá nhu nhược thì sẽ yểu mệnh.
8 – THANH NHƯỢC KÍCH CHUNG
Giọng nói chẳng khác ǵ tiếng chuông
Tiếng chuông có dư âm vang xa, rất lâu mà vẫn chưa dứt. Tiếng nói là từ nguyên khí mà phát ra thì quý, chỗ vừa sâu lắng, vừa dài, vừa vang xa, vừa lớn, đều phải được phát ra từ đan điền. Nếu như vừa nông, vừa ngắn, vừa khô rít, nhưng vật vỡ nát, đều là tướng triệu của hạng hạ tiện, đoản thọ.
Sách Ngọc quản chiếu thần luận chép rằng: Con người ta khi nói năng trò chuyện, mà thanh âm được như tiếng chuông, vừa lớn vừa vang xa. Dáng người nhỏ, âm thanh cũng nông nhỏ. Tinh thần trong sáng tất khí hòa yên, nên thanh âm cũng rõ ràng tươi nhuận. Thần mà tối tăm, thì khí sẽ không đầy đủ, vì vậy thanh sẽ không đều yếu nhỏ.
Cho nên giọng nói của bậc quý nhân, xuất từ đan điền, tương thông với tâm khí. Cho nên tiếng nói rõ ràng, mạnh mẽ, truyền đi được rất xa. Còn giọng nói của kẻ tiểu nhân, do từ đầu lưỡi mà phát ra, vừa vội vàng, vừa nhỏ, không thể truyền xa.
Đàn ông mà lại nói giọng như đàn bà, thì sẽ cô độc, bần cùng. Đàn bà mà lại có giọng đàn ông, nếu không trở ngại thì cũng tổn hại. Hình thể nhỏ mà tiếng lớn là điềm cát tường. Hình thể lớn, mà tiếng lại nhỏ là điềm không hay.
Có những người tiếng nói khô rít, không gọn gàng gọi là la võng thanh. Có người, tiếng nói to nhỏ không đều, gọi là thư hùng thanh. Hoặc giả có người lúc đầu nói rất nhanh, về sau càng chậm dần, hoặc ngược lại. Có người nói chưa xong nhưng hơi cạn dần, có khi nói không ra hơi nữa, gần như thần khí đă thay đổi. Đó chính là những hạng tiểu nhân hạ tiện.
Thân thể con người ta, vốn do ngũ hành biến hóa mà sinh ra. Bởi vậy về mặt thanh âm cũng có thể căn cứ theo ngũ hành mà chia làm năm loại khác nhau:
Thổ âm thâm trầm, hậu trọng. Thâm trầm có nghĩa là không nông cạn, hậu trọng là không mỏng. Mạnh mẽ là do từ trong cổ họng phát ra.
Mộc âm cao, bay bổng lưu loát, tiếng nghe du dương nhưng lại hòa hợp.
Hỏa âm khô, nghe mãnh liệt chẳng khác gì lửa cháy, nhưng lại nông cạn, bạo liệt. Tục gọi là độc hỏa thanh. Đây chính là điềm triệu không tốt.
Kim âm, ôn hòa nhuận trạch, ôn hòa có nghĩa không gay gắt, nhuận trạch là tươi tốt, không khô. Chẳng khác gì tiếng gõ vào đồ đồng, như sênh tiền, thanh la, khánh ngọc, là các loại nhạc cụ vậy.
Thủy âm thì trong sáng, tròn trặn tươi tốt,
vì vậy,
sách Ca có nói: Mộc thanh cao mà du dương, hỏa thanh quyết liệt, kim thanh ôn hòa nhuận trạch mà không non nớt, thổ thanh chẳng khác gì tiếng nói từ trong vò, trong chum sâu thẳm phát ra bay bổng.
Lại nói: Quý nhân thì tiếng nói phát ra từ đơn điền, khí đủ mạnh mẽ mà trong sáng khác thường, kẻ bần khốn thì do mệnh trời, tiếng nói phát ra ở đầu lưỡi, cho nên suốt đời lao lực, kham khổ, không đáng bàn.
Sách Thông thiên kinh lại chép: Hình thể nhỏ nhưng thanh tiếng lớn, trò chuyện mà đến nỗi cách sông vẫn còn nghe thấy, hạng người như thế thì có thể trong một ngày mà đi được một nghìn dặm vậy.
Sách Quy giám viết: Tiếng nói tốt là tiếng nói có thể truyền đi xa mà không bị phân tán, ở gần cũng vẫn nghe rõ ràng lưu loát. Thanh âm mà cạn, ngắn thì không thể mạnh mẽ. Sâu xa nhưng đầm ấm, to lớn nhưng không ô trọc. Tiềm tàng nhưng vẫn rõ ràng. Nhỏ nhưng thanh vẫn rõ, nhỏ nhưng không líu ríu. Tiềm tàng nhưng phân minh. Dư âm vang vọng nhưng như tiếng sênh, tiếng chuông. Tiếng nói vừa thâm trầm vừa tươi tắn, đấy chính là những dấu hiệu cát tường, có thể sống lâu, giữ được tài lộc, quan tước.
Tiếng nói không tốt, là tiếng thô trọc, phát tán, nhỏ quá, khô sít, tạp loạn, như là hết hơi, không thể nghe xa, giống như tiếng của hổ báo. Tiếng phát là ở đầu lưỡi, lưỡi lại to, không thể đẩy được hơi ra. Đó là những tiếng hỗn tạp, ti tiện, cũng gọi là những ố thanh.
Tiếng nói xuất phát từ ngũ tạng. Sự tổng hợp tinh thần của ngũ tạng mà tạo nên âm thanh. Truyền từ bên trong ra để diễn đạt ư tứ, để mà giao tiếp với bên ngoài. Mở miệng ra nói là tự biểu thị tinh thần của mình. Không thể không hay. Thanh âm mà không tốt, chỉ do kẻ xấu nói ra. Nhất định sẽ gặp chuyện chẳng lành, thường gọi là hình ngục ách. Có nhiều quan chức gặp phải trường hợp này. Nếu đối với đàn ông thì không bảo toàn được gia đình, với phụ nữ thì không giữ được miếng cơm manh áo. Tiếng nói không thiện, không ác thì cũng không họa cũng không phúc. Nhưng tiếng của người ta, qua quan hệ với ngũ hành. Phối hợp với cung thương thuận theo lẽ âm dương, phải quan sát các điềm triệu tinh tế mà đoán cát hung. Học được thuật này, thì không khó gì việc đoán định quá khứ, vị lai. Âm thanh trong sáng, tốt lành, biểu thị sự hiền ḥa. Âm thanh bất thiện, nghe ra hỗn trọc, tán loạn, rời rạc, lí nhí, như không thể điều khiển được nó.
Tiếng nói của những người lương thiện, nghe sảng khoái, thẳng thắn. Tiếng nói của những xấu xa rời rạc nhạt nhẽo. Tiếng của người tốt, sâu lắng, vang xa rơ ràng. Tiếng của người xấu lắt léo, nhỏ to, thầm thì. Trong ngũ âm, cung nghe thâm trầm ngưng đọng, hùng hồn. Thương nghe kiên cường, mạnh mẽ, khoan ḥa, rộng răi. Thanh giốc nghe thư thái tròn trặn, ngân dài. Chủy thanh thì như ấm ức, dồn nén, Vũ thanh thì nhỏ nhẹ, khi mờ khi tỏ, thâm trầm. Trước tiên, phải hiểu được những biểu hiện đó, thì sau đó mới phân biệt được tốt xấu, thiện ác qua giọng nói của mỗi người. Lại nữa, cung và thương là bình thanh, chủy là thượng thanh, vũ là khứ thanh, giốc là nhập thanh. Có người sẽ hỏi:
– Đều là bình thanh cả, sao còn cần phân biệt cung với thương hai thanh làm gì ?
Đáp rằng:
– Khi phát âm, miệng mím lại, thu hơi vào, thì ta có cung thanh. Khi phát âm, miệng mở to, tống hơi ra, đó là thương thanh. Sự phân biệt là như vậy.
Màu trắng là màu của mạng Kim, màu của Thương thanh.
Màu vàng là màu của mạng Thổ, màu của Cung thanh.
Màu xanh là màu mệnh Mộc, thuộc Giốc thanh.
Màu đỏ là màu của mệnh Hỏa, thuộc Chủy thanh.
Màu đen là màu của mệnh thủy, thuộc Vũ thanh.
Người mà thuộc cung hình, thì hợp với thương thanh, thì con cháu nhiều, đời sau thịnh vượng, tôn quý. Kim vốn từ Thổ mà sinh ra, nếu đi với Thương thanh sẽ bất thiện, con cái sẽ không hiếu thuận, mà hung bạo, ngỗ ngược, nếu không cũng tật bệnh, hoạn nạn, chí ít cũng hiếm hoi đường con cháu. Thanh giốc tốt, điềm chức tước thăng tiến. Mộc chính là hồn của Thổ, nếu Giốc thanh mà không thiện, thì sẽ gặp họa lao ngục. Chủy thanh mà là tốt, thích hợp với con cháu, bảo toàn cha mẹ. Hỏa thì hợp với mẹ, nhưng cha thì lại khắc Kim. Nếu như Chủy thanh không tốt, thì từ nhỏ đã mồ côi cha mẹ, hoặc không nữa thì cũng bị cha mẹ đối xử nghiêm khắc. Nếu như phù hợp với Vũ thanh, thì sẽ gặp được vợ hiền, nô tốt, sẽ đại phú. Thủy chính là vốn liếng của Thổ, nếu như Vũ thanh mà không hợp, thì sẽ gặp vợ con không ra gì. Nếu không thì cũng chẳng có gia tư điền sản gì, hoặc gặp cảnh vợ con chết yểu.
Một người nếu đạt được giọng nói tốt, thì có được đại phú, đại quý, trường thọ, yên ổn. C̣n như có một giọng nói tàn độc, thì rồi hành động của họ cũng như vậy, nếu không què chân cụt tay, thì cũng ốm đau. Điều này là chỉ nói 1 phương diện còn như suy rộng ra, toàn bộ cuộc đời của họ, cũng chẳng còn điều gì đáng nói.
Người có tiếng nói giống như tiếng gáy của chim bồ câu, thì tâm địa nhân từ.
Tiếng nói như quạ kêu, tính tình xảo trá, túc trí đa mưu, phù hợp với việc thư lại, thầy cò.
Con người có tiếng nói như tiếng chim ưng mặt mèo thì tâm địa ác độc, bất hiếu bất mục.
Người có tiếng nói như tiếng lừa rống, thì dâm tà.
Tiếng nói giống tiếng trâu, th́ tính tình cẩn thận.
Giống tiếng lạc đà thì cao ngạo, phú quý.
Tiếng giống voi th́ trường thọ, phú quý.
Tiếng như tiếng dê, là loại người bần cùng hà tiện.
Tiếng như tiếng sói lang, thì là người tàn ác, nhẫn tâm.
Tiếng như tiếng lợn kêu, thì người nghèo khó, dâm tà.
Tiếng như ngựa hí, là người dũng mãnh, cao quý.
Nhìn chung việc này là: chỉ cần nghe được tiếng nói ở sau một bức tường, thì cũng chẳng khác gì được nhìn tận mặt người đó rồi. Chỉ cần nghe như vậy cũng đủ nhận ra người xấu, người tốt, hiểu rõ tính tình ra sao. Điều này chẳng qua do sự tinh tế của các nhà chiêm bốc, là cái lẽ vi diệu mà họ có được. Có thế nhìn ra những tiềm ẩn ở cái vỏ ngoài âm thanh. Nó bay bổng, như nó cũng trói buộc người ta.
Thanh âm có dài có ngắn, có cao có thấp, có ngang có chìm. Có sâu có nông, có thô có tế, có tán có phá, có nhanh có chậm, có thẳng có quanh, có hoan lạc có buồn rầu, có viên nhuận, sung măn no đủ, và có tiếng không hư, riết róng, khiếp nhược.
Làm thế nào để phân biệt được những tiếng nói này thì việc phán định cát hung, tốt xấu của mỗi người không còn khó khăn gì nữa. Phần tiếng trầm thấp, thô thì thuộc Cung thanh. Tiếng chậm nông thì thuộc Thương thanh. Tiếng thẳng, ngang thì thuộc Giốc thanh. Tiếng bay bổng, phát tán thì thuộc Chủy thanh. Tiếng ngắn găy khúc thì thuộc Vũ thanh. Tiếng vui, tiếng buồn đều bởi tâm trạng. Tiếng đầy đặn sung măn thì sự thịnh vượng giầu có đã rõ. Tiếng hư không khiếp nhược chẳng ốm yếu bệnh tật cũng là bị giam giữ, tỏa chiết.
Kết hợp những phương diện trên đây để nhận xét về tiếng nói của con người, ta sẽ có được một kết luận xác đáng. Ví như, con người đó thuộc cung hình, lại có Thương thanh gốc thiện, tiếng nghe vui vẻ, thì có thể sắp sinh con quý tử. Thương thanh và lại bất thiện vẫn là điềm đông con nhiều cháu. Người có cung hình, lại thuộc Giốc thanh bất thiện, thêm tiếng nói đầy bi thương, thì có thể biết sắp mất chức quan. Người có cung hình, thuộc Vũ thanh, lại có Thượng tù thanh, thì có thể biết vợ, đầy tớ gái, gia súc tử vong. Cứ đem tù thanh ra mà nói, nếu thanh tù nặng thì vợ qua đời, thanh tù khinh thì đầy tớ gái qua đời hoặc vợ con bị bệnh. Nếu như có thêm tiếng nói bi ai, thì vợ con chia lìa. Giả như người có Giốc hình, có giốc thanh, lại thêm có tiếng nói hưng thịnh to lớn, th́ biết ngay người đó sống lâu, phú quý, không tật bệnh thăng quan tiến chức,…
Các loại tướng khác nhau rất nhiều, không thể nào kể tất cả. Chỉ xin đơn cử 1 vài trường hợp. Trong thực tế phong phú, phải tùy đó mà xét đoán.
9 – TỨ ĐỘC TU NGHI THÂM THẢ KHOÁT
Cả bốn con sông, đều cần phải vừa sâu vừa rộng
Tứ độc, là bốn con sông, trong đó tai được coi là sông Giang. Miệng được coi là sông Hà. Mắt được coi là sông Hoài. Mũi được coi là sông Tế. Cả bốn con sông này, đều cần phải sâu rộng, cao đầy, có được dáng dấp của con sông đang chảy. Không được quá bằng phẳng, chậm chạp, khuyết hãm.
Đối với tự nhiên mà nói, thì Trường Giang, Hoàng Hà, Hoài Hà, Tế Thủy, là bốn con sông tiêu biểu, đối với con người ta, thì mũi, tai, mắt, miệng là những cái huyệt lớn nhất, chủ thông minh, trường thọ. Mắt càng lớn, là điềm có tài trí nhiều, có thể xây đắp sự nghiệp lớn. Mắt càng trong sáng, long lanh chứng tỏ có chức có quyền. Mắt ngắn, nhỏ là không thể tốt. Mũi càng lớn, thì là cái kho của trời, kho của người càng lớn, sẽ có nhiều của cải, có chức có quyền. Mũi mà nhỏ không tốt. Môi vừa đầy đặn vừa đỏ thắm tươi tốt, điềm nhiều tài lộc. Miệng rộng, có thể đút cả nắm tay của mình là điềm có thể giữ chức tướng công. Miệng nhỏ, không tốt.
10 – NGŨ NHẠC TẤT YẾU KHUNG DỮ LONG
Ngũ nhạc tất cần phải vừa cao vừa to
Nhạc, chỉ núi cao mà tôn nghiêm. Theo sách Thuyết văn, là những núi Thái ở phía đông, núi Hành ở phía Nam, núi Hoa ở phía tây, núi Hằng ở phía bắc, và núi Tung ở giữa.
Ở con người, trán là Nam Nhạc Hành Sơn, mũi là Trung Nhạc Tung Sơn, cằm là Bắc Nhạc Hằng Sơn, xương quyền bên trái là Đông Nhạc Thái Sơn, xương quyền bên phải là Tây Nhạc Hoa Sơn. Ngũ nhạc đều cần cao to, có khí thế đẹp đẽ.
Xương dựa vào thiên thương mà nổi lên, đấy chính là báo hiệu một điều gì đó. Mũi thì cần to lớn mà cao thẳng. Chuẩn đầu không được sụp lở, khuyết lõm, nếu như vậy thì sẽ không lợi.
Sách Vạn kim bí ngữ nói rằng: Trán là Nam Nhạc nên như vầng trăng tròn đầy. Quyền trái nên tròn như quả trứng gà. Quyền phải là Tây Nhạc nên vuông vắn như một miếng bạc trắng. Mũi là Trung Nhạc nên vừa cao vừa to. Bắc Nhạc là cằm nên đầy đặn phong mãn nên nhô ra phía ngoài như một cánh chim. Cả ngũ nhạc mà toàn vẹn, mà các bộ vị khác đều tốt cả, không có gì khuyết hãm, thì là người có quan tước, bổng lộc, được tôn quý.
11 – NGŨ QUAN YẾU MINH LƯƠNG NHI ĐOAN CHÍNH
Ngũ quan cốt yếu phải sáng sủa, ngay thẳng
Ngũ quan, một là miệng, hai là mũi, ba là tai, bốn là mắt, năm là nhân trung. Cả năm đều cần sáng sủa, ngay thẳng. Không được nghiêng xiên, khuyết tật. Mắt là cơ quan để quan sát. Tai là cơ quan thẩm thính. Miệng là nơi ra vào. Nhân trung là nơi bảo thọ.
Con mắt là ánh sáng, là uy lực, cơ quan có khả năng biểu hiện tình ý một cách vi diệu. Sống mũi cao quý, trán đầy đặn, thẳng cao, là dự triệu của kẻ có chức có quyền. Miệng có góc cạnh, môi như cánh cung ở trên, môi dưới như vành trăng, là người có chức quyền. Nhân trung sáng sủa, cũng là điềm cho quyền chức. Tai có thành có quách, rủ xuống hai vai, thông với hai má, với miệng là điềm sống lâu.
12 – LỤC PHỦ DỤC KỲ THỰC NHI SUNG
Lục phủ cần phải đầy đặn nhưng rắn chắc
Lục phủ gồm hai xương má, hai xương quyền, hai xương di, ở bên mép, cũng gọi là xương má nói chung. Cần đầy đặn nhưng rắn chắc. Qua lại bổ trợ cho nhau. Không nên lẻ loi đơn độc.
Sách Linh đài bí quyết nói: Hai phủ trên, từ phủ giác cho tới thiên thương, hai phủ giữa từ mệnh môn cho tới hổ nhĩ, hai phủ dưới từ kiên cốt cho tới địa các. Lục phủ cần đầy đặn nhưng ngay ngắn. Không được khuyết hãm. Có một cái nền đầy đặn, thì báo hiệu một tài vận hưng vượng. Thiên thương cao, thì nhiều tài lộc. Địa các vuông vắn thì sẽ có ruộng tốt hàng vạn mẫu. Địa các mà lõm khuyết, thì không tốt.
13 – NHẤT QUAN THÀNH, THẬP NIÊN QUÝ HIỂN
Chỉ cần một bộ vị nào đó thật tốt, thì cũng đủ mười năm bổng lộc tốt.
Trong số ngũ quan, chỉ cần có một quan đặc biệt tốt, thì đã có thể được mười năm quý hiển mà hưởng thụ bổng lộc rồi.
14 – NHẤT PHỦ TỰU, THẬP TẢI PHÚ PHONG
Chỉ một phủ tốt đẹp, cũng đủ hưởng mười năm giàu có.
Trong số sáu phủ, nếu như có một phủ đặc biệt tốt, thì cũng đủ hưởng 10 năm giàu có, đầy đủ.
Ví dụ như: Thiên thương đầy đặn là cốt tướng rất tốt. Ngược lại thì bất tường.
Mi mắt trái, từ đầu cho tới đuôi, lại quyết định hai năm vận mệnh. Mi mắt phải từ đầu cho tới đuôi cũng quyết định hai năm vận mệnh. Mi không rậm, mắt đẹp, thì quyết định được 10 năm cát tường.
Mắt bên phải quyết định ba năm vận mệnh, mắt trái cũng quyết định ba năm vận mệnh. Mi mắt, cộng với mắt quyết định mười năm vận mệnh.
Từ sơn căn cho đến chuẩn đầu, lương tiết cốt cao dầy, chuẩn đầu đầy đặn, dự triệu mười lăm năm vận mệnh. Cộng với mi và mắt, ta sẽ có hai mươi lăm năm vận mệnh. Những điều ngược lại sẽ là không tốt.
Nhân trung, hải huyệt, thừa tương địa các và hạ hàm mà đầy đặn, nhân trung sáng láng, hải nguyệt đoan chính, thừa tương rộng mở, địa các cũng rộng răi, là dự triệu của hai mươi lăm năm cát tường. Và cũng như trên, ngược lại sẽ là điều không tốt.
Lông mày quyết định 5 năm, tai mười lăm năm…
Lão điều, chủ quản 10 năm.
Như vậy là đủ một trăm năm trường thọ. Nếu như không có những điều này thì tuổi thọ giảm.
15 – PHÒNG HUYỀN LINH LONG MỤC PHƯỢNG TÌNH, TAM THAI LIỆT VỊ
Phòng Huyền Linh mắt rồng, con người phượng vì vậy làm quan to trong triều đình, giúp nhà vua coi giữ việc quốc gia (Tam Thai tương tự Tam Công).
Phòng Huyền Linh, người Lâm Truy thuộc Tề Châu, tên Kiều, thờ Đường Cao Tổ, Đường Thái Tông, giữ chức trung thư lệnh.
Pḥng Huyền Linh người đời nhà Đường. Mắt rồng, con ngươi phượng. Làm quan tới tam công, hiển hách, vinh hoa, phú quý. Xem tướng Huyền Linh, có người bảo: Long mục phượng tình, vị cực công khanh.
Phòng Huyền Linh long đầu phượng nhãn, đầu rồng mắt phượng, xương ngọc chẩm đầy đặn, rắn chắc, phía sau gáy, xương ngọc chẩm, hai gò nổi lên song song, tất vinh hoa phú quý. Ngọc chẩm hạ xuống thấp, càng quan cao lộc trọng. Còn như cao lên trên, thì chỉ làm người dân thường, nhưng cũng thông đạt một đời.
Sở dĩ gọi là mắt phượng bởi vì phía trước thì ngay ngắn tròn trặn. Còn như con mắt trắng đen rõ ràng, trong mắt có những đường hoa thanh tú, ánh mắt rực sáng long lanh sắc nhọn, thì người ấy văn chương mẫn tiệp, hạ bút là có nghìn lời tươi tốt.
16 – BAN TRỌNG THANG, YẾN HẠM HỔ CẢNH, VẠN LÝ HẦU PHONG
Ban Trọng Thang hàm én, cổ hùm lập nên công nghiệp ở nước xa xôi, vì vậy được phong Vạn Lý hầu.
Ban Trọng Thăng tức Ban Siêu, thờ Hán Minh Đế, Hán Chương Đế, Hán Ḥa Đế, làm tước Định Viễn hầu, được phong ấp thiện hộ.
Ban Siêu là người nhà Hán, cằm khoan rộng, cổ to khỏe. Hứa Phụ xem tướng của Ban, nói: Cằm én, cổ hùm, có tướng kiếm cơ nghiệp ở nơi xa, cho nên có thể được phong hầu ở ngoài nghìn dặm. Về sau, Ban quả nhiên được Hán triều phong Định Viễn hầu. Đó là tước phong cho người có công trấn an một cõi biên cương xa xôi.
Ban Siêu nhà Hán, cằm dưới đầy đặn, địa các rộng răi. Đầu đỉnh đoan chính, cao ráo, tươi tốt như phát sáng. Đầu hổ, hàm én dáng khi ăn uống như bay liệng trên cao, quan lộc pháp lớn vào tuổi già, vì đó là điềm hàm dưới đầy đặn. Cho nên các nhà tướng thuật nói: Đáng được phong hầu Vạn lý.
17 – ANH MÂU HỀ KÍCH DIỆN
Hai con mắt đẹp đẽ giống như có ánh điện lấp lánh
Anh mâu, chỉ đôi mắt trang nghiêm, có ánh sáng lấp lánh như điện sáng. Mắt như mắt chim ưng, là tướng người phú quý. Là để chỉ người có thần thái tỏa sáng ra ngoài rất rực rỡ, đủ màu.
18 – HÀO KHÍ HỀ THỔ HỒNG
Khí tốt đẹp mạnh mẽ khác nào ánh sáng cầu vồng
Anh hùng hào kiệt, ngôn từ lỗi lạc, chí khí hiên ngang, chẳng khác gì màu sắc sáng phát từ cầu vồng. Ở bên trong thì giống như hạt châu nằm dưới đáy nước. Giống như viên ngọc quý không chịu nằm ngoài viên đá. Giống như vàng mười ẩn trong mỏ khoáng vật tầm thường. Nhưng ánh sáng của nó vẫn phát rọi ra bên ngoài.
19 – NHƯỢC PHÚ TÍNH THÔ ÁC, HỌA TẤT CẬP
Một con người mà phẩm tính thô bạo, hung ác, nhất định sẽ nhanh gặp tai họa.
Phàm những người bản tính hung ác, bản thân nhất định gặp tai họa. Và cuối cùng sẽ không thể tốt lành. Thiên thương, phú tử của một người mà hình dáng thô trọng xấu xa, mắt không đầu không đuôi, lông mày không ra thanh cũng không ra thô, trông chẳng khác gì con chuột, con rắn, giọng nói nghe như sói lang, tinh thần hoảng hốt, hung bạo, xương đầu sứt mẻ, các xương không toàn vẹn, mắt một màu trắng bạch, lại xen lẫn những mạch máu đỏ, ánh mắt như quỷ ám, ăn nói lộn xộn bừa bãi, đó chính là tướng mệnh của một con người hung bạo, chết yểu. Ở mức độ thấp, thì cuộc đời người này cũng gian nan, khốn đốn.
20 – NHƯ TU ĐỨC DỊCH, LỘC VĨNH CHUNG
Nếu như cẩn thận trong việc tu dưỡng đạo đức thì sẽ giữ được bổng lộc địa vị lâu dài.
Nếu như một người thường thường chăm lo tu dưỡng đạo đức, cẩn thận trong ngôn ngữ cử chỉ, thì có thể vĩnh viễn giữ được bổng lộc địa vị của mình.
Khuyên người làm việc thiện, trời cao sẽ đem tài lộc cấp cho con người đạo đức cao thượng đó. Mà không bao giờ lại cho lũ người hung ác. Vì vậy người có đạo đức, sẽ giữ được phúc lộc, địa vị vĩnh viễn.
21 – THƯỢNG TRƯỜNG HẠ ĐOẢN HỀ, VẠN LÝ CHI TIÊU HÁN ĐẰNG DỰC
Phần trên của thân thể dài, phần dưới ngắn, là tướng mệnh của kẻ có thể bay cao vạn lý.
Phàm thân thể con người ta, cần phải có lưng dài, chân ngắn, chẳng khác gì chim bằng chim côn bay trên chín từng mây xanh, cao vạn dặm mây, không thể có gì cản trở nổi.
Trong ngực ôm ấp hàng vạn việc, đó chính là nhà cửa cung thất của thần khí, thần mà được yên ổn thì khí sẽ bình hòa.
22 – HẠ TRƯỜNG THƯỢNG ĐOẢN HỀ, NHẤT SINH CHI TÔNG TÍCH PHIÊU LINH
Một người mà thân thể, phần dưới dài, phần trên ngắn, th́ì cả đời lang thang đất khách.
Sách Thuyết văn giải thích: Cây cỏ hao, một loại cỏ lau, Tế Điền nói rằng, cây hao là một loại cỏ sinh theo lối phát tán, gặp gió th́ hoa bay khắp nơi để sinh sôi (*)
(*) Cây hao, thường gọi là cây chổi, một thứ cỏ ngải có nhiều loại. Thanh hao, mẫu hao, bạch hao, đều nhân trần hao, đều có thể dùng làm thuốc. (Từ điển Hán Việt, Thiều Chửu)
Có bản thay chữ phiêu bằng chữ chi. Con người ta mà chân dài, lưng ngắn, thì cả đời lang thang, lưu lạc, chết nơi đất khách.
Ngực ngắn mà mỏng, không ngay ngắn, hoặc khuyết hăm, thì bần cùng hạ tiện. Ngực mà lồi lên: nhô lên thì chết yểu. Ngực mà lơm xuống, thì vừa hung ác vừa khốn đốn.
Sách Bạch Viên kinh nói rằng: Hạ đình ngắn, thượng đình dài, lại thêm bộ vị thượng học đường đẹp đẽ, thì có thể quan cao, tước trọng, gần gũi được cả hoàng đế.
Sách Thông tiên kinh nói: Phần phía trên thân thể dài, phần dưới ngắn, là tướng của bậc công hầu. Trước đây, Tôn Quyền có tướng thượng trường hạ đoản, nên suốt đời một mình hùng cứ một phương vậy. Ngược lại thì sẽ không ra gì.
23 – DUY NHÂN, BẨM ÂM DƯƠNG CHI HÒA, TIÊU THIÊN ĐỊA CHI TRẠNG
Con người thừa hưởng, tiếp thụ khí âm, khí dương. Cho nên, về mặt hình thể, nó cũng đâu khác gì trời đất vậy.
Thân hình là sự thụ mệnh của những tự nhiên, sách Mạo cảm văn nói rằng: Vạn vật giữa trời đất, đều gánh vác ôm ấp, khí âm, khí dương là phát triển. Nhưng chỉ có con người có linh tính tối thượng. Riêng hưởng chính khí âm dương mà sinh ra, xác thực được trời đất tạo hóa vậy.
Sách Ngọc quản chiếu thần luận nói: Con người thừa thụ khí âm dương, cho nên nó cũng có hình hài như trời đất. Tiếp thụ sự biến hóa của ngũ hành mà sinh, nên là loại tối linh trong vạn vật. Vì thế cho nên đầu thì tròn như trời, chân thì vuông như đất. Mắt giống như mặt trăng, mặt trời vậy. Tiếng nói, thanh âm thì giống tiếng sấm sét. Huyết khí thì giống con sông, con suối. Cốt tiết thì giống như vàng như đá. Mũi, trán thì giống như núi lớn. Lông tóc thì giống như cây cỏ.
Trời thìcần phải cao, phải xa, đất thì phải vuông, phải dày. Mặt trời, mặt trăng thì phải sáng sủa. Sấm sét thì phải âm vang. Sông thì phải nhiều nước. Vàng đá thì phải cứng rắn. Núi thì phải cao chót vót. Thảo mộc thì phải đẹp tốt. Trên đây là những nét đại để.
24 – TÚC PHƯƠNG HỀ, TƯỢNG ĐỊA VU HẠ
Bàn chân vuông vắn mà dày, giống như cái mặt ở phía đất vậy.
Chân cần phải mềm dẻo, nhưng lại phải đầy đặn. Đó chính là quý tướng.
25 – ĐẦU TIÊN HỀ, TỰ THIÊN VI THƯỢNG
Đầu vừa tròn vừa lớn, giống như cái mặt phía trên, mặt của trời vậy.
Trời đáng được tôn trọng, đất bị coi thường. Thiên tôn địa ti, thì càn khôn xác định. Vì thế chân vuông tượng trưng cho đất. Đầu tròn tượng trưng cho trời. Trời thì cần phải rộng mở, đất thì cần phải vuông dày… Trời mà không mở rộng thì làm sao bày đặt được vạn cảnh ? Đất mà không vuông dày, thì làm sao chứa được muôn vật ? Đầu viên túc phương, chính là người phú quý. Đầu nhỏ, chân mỏng là hạng người bần tiện.
Sách Quy giám nói: Đầu cao ráo, đầy đặn, chân vuông vắn, dày, là hạng người phú quý. Ý nói, đầu cao, có đỉnh, tóc tốt lan xuống tận tai.
Đường Sinh nói rằng: Đầu là phần cao nhất ngoài thân, đó là bộ vị tối cao của con người. Phần trên nên phải to lớn, vì vậy thân cũng phải đỡ nó vững vàng không mệt mỏi. Nằm ở chỗ cao nhất của thân, người ta không đủ vì đỡ cái đầu mà khiến thân mệtmỏi là thân không đủ sức. Lại nữa đầu còn nằm trên cả thất khiếu. Tự do tự tại, từ đó mà nhìn người đời. Đầu nhỏ là điều không hay, nó chứng minh cho một tính cách nhỏ nhen tùy tiện.
Hứa Phụ nói: Đầu như đầu trâu, bốn góc vuông vắn, là điềm phú quý cát xương (*). Đầu như đầu hổ cao ráo, phú quý không biết chừng nào. Đầu như đầu chó, vừa tròn vừa nhỏ, suốt đời sướt mướt, khóc than, gặp không biết bao nhiêu tỏa chiết, nguy nan tai họa. Đầu như đầu hươu, vừa gầy vừa dài, chí khí hùng cường, đáng phục.
(*) Thực ra phải dịch là bò, vì ở đây, nguyên văn là Ngưu, còn “thủy ngưu” mới là trâu.
Đường Sinh nói: Đầu như đầu thỏ, chí khí quật cường nhưng gàn dở cố chấp. Đầu như đầu rái cá, to bè, tính tình khoáng đạt, rộng rãi. Đầu như đầu voi, vừa to vừa dài, phúc lớn, sống lâu. Đầu như đầu tê giác, vừa to vừa cao, phú quý rực rỡ.
Chu Kiến nói rằng: Đầu như đầu lạc đà, vừa to vừa cao, là điềm đại phúc đại lộc. Đầu như đầu rùa, bé nhỏ, thì chỉ đủ rượu thịt là may rồi. Đầu như đầu rắn, vừa mỏng vừa nhỏ, tài sản rất ít. Đầu như đầu cáo, đầu hổ, vừa nhỏ vừa nhọn, gia cảnh khốn đốn. Lại nói: Xương đầu dầy, vừa tôn quý vừa trường thọ Xương đầu dày, một đời vui vẻ, khoái lạc. Da đầu trắng, một đời hạ tiện. Da đầu màu xanh thì thông minh, hiếu thuận, làm quan có lộc, sống lâu. Da đầu màu vàng, bần cùng hạ tiện. Da đầu màu đỏ, chết v́ì binh đao. Thịt ở ngoài xương đầu, mỏng nhẹ thì bần cùng. Đầu nhỏ mà tiếng nói lại nhọn sắc, mắt trắng đen rõ ràng, linh lợi, thì con người này, không có khó khăn nào có thể cản trở nổi. Ngày xưa tướng Tần là Bạch Khởi, chính có tướng như vậy, về sau lập quân công lớn, phong tước Vạn Lý hầu.
(Sưu tầm trên TVLS)
© 2023, Tin Tâm Linh. ( Theo : www.tintamlinh.com )