Cảm Giác Tích Cực, Khoa Học Tâm Linh

0

Cảm Giác Tích Cực

CẢM GIÁC TÍCH CỰC

Cảm xúc đến từ tâm hồn còn cảm giác đến từ ngũ quan của thân thể. Cảm giác ảnh hưởng đến tâm trạng và tâm trạng cũng ảnh hưởng đến thể xác. Ví như bạn đang buồn bực thì thân thể uể oải, ăn uống không ngon, gì cũng không muốn làm. Còn nếu thân thể đang đau ốm thì tâm trạng cũng khó mà an được.

Một cơ thể có ngũ quan “tích cực” thì tinh thần sung mãn. Một tâm hồn tràn ngập tình yêu thương, sự bao dung, tha thứ, không thể bị tổn thương thì thân thể không có các trạng thái tiêu cực như sợ hãi, lo lắng, giận dữ, buồn bực… nên không thể ốm đau, bệnh tật.

Đó là dạng quan hệ qua lại như vật chất và ý thức vậy, cái này ảnh hưởng đến cái kia và ngược lại. Chúng ta luyện tâm thì sẽ có một cơ thể không đau ốm, còn luyện thân thì sẽ giúp tâm an lạc nhiều hơn. Tập trung thiên lệch vào một cái thì thân tâm sẽ mất cân bằng.

Luyện thân ở đây không đơn thuần là tập gym, thể dục, thể thao cho tráng kiện. Cái đó chỉ là một thành tố nhỏ thôi. Cảm giác đến từ ngũ quan bao gồm: xúc giác (sờ chạm), vị giác (ăn uống – nếm) , thính giác (tai nghe), thị giác (mắt nhìn), khứu giác (mũi ngửi).

Xúc giác bao gồm toàn bộ làn da và phần thụ bì dưới da phản hồi các tác nhân vật lý như: nóng-lạnh, cứng-mềm, ẩm-khô, thô-mịn, động-tĩnh… Mỗi một tế bào truyền về đại não cảm nhận của nó đối với đúng vị trí chạm vào vật thể. Bởi vậy mà với mỗi loại vật liệu chúng ta đều có cảm giác khác nhau để phân biệt dù là trong bóng tối.

Vấn đề là có nhiều thứ bạn cảm thấy ghét, thậm chí là ghê tởm khi sờ phải. Nó ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn. Cũng có những người đau có chút xíu thôi mà đã la làng rồi (kiểu nhà giàu dẵm phải gai mùng tơi), thậm chí còn giật mình thon thót khi có ai chạm vào cơ thể.



Có một số ít lại thích bạo dâm, họ không cảm thấy đau đớn vì điều đó, thậm chí là sướng-khoái. Cũng có người tập võ họ có thể đấm tường, đá cột, để người khác đánh vào thân thể mà vẫn cười thoải mái. Không phải là họ không đau đâu mà góc cảm nhận của họ khác người bình thường thôi.

Cũng giống như bất kỳ sự vật hiện tượng nào cũng có góc nhìn tích cực và tiêu cực thì đối với cảm giác cũng vậy. Đau và sướng lẫn lộn, quan trọng là bạn đang chú tâm vào đâu thôi. Bạn chú tâm vào cái gì thì cảm nhận của cái đó tăng cường và cái kia suy giảm.

Ví dụ như bạn cầm một cốc nước nóng lên, thì cảm giác nóng hầu như sẽ lấn át các cảm nhận khác. Nhưng nếu bạn chú tâm vào độ nặng hoặc chất liệu của cái cốc thì tự nhiên cái nóng sẽ suy giảm, thay vào đó cảm giác bạn đang tập trung được tăng cường.

Đối với vị giác, nếu bạn thường xuyên ăn các loại gia vị đậm đà thì chẳng mấy chốc bạn sẽ cảm thấy chất lượng bữa ăn đi xuống. Đó là do các tế bào cảm nhận của bạn bị kích thích quá độ và thường xuyên nên vị giác của bạn kém đi sự tinh tế. Vậy nên ăn ít gia vị một chút sẽ luôn giữ được cảm giác ngon miệng.

Ngoài ra khi ăn nếu bạn chú tâm vào vòm miệng, vào vị giác ở đầu lưỡi và cuống lưỡi, vào sự thay đổi của đồ ăn sau mỗi cái nhai và chậm thôi, bạn sẽ có rất nhiều cảm nhận ngon miệng. Nhiều người ăn quá nhanh và thiếu tập trung (xem tivi, nói chuyện…), vừa ăn xong hỏi cảm thấy thế nào thì phải chờ họ ăn lại rồi mới phát biểu cảm tưởng được.

Đối với âm thanh như tiếng trẻ em khóc, tiếng cửa cọt kẹt, tiếng nôn mửa, hầu hết đều cho chúng ta cảm giác rợn người. Cũng không phải là thứ âm thanh đó đáng sợ mà nó gợi lại trong chúng ta những ký ức không tốt đẹp. Chúng ta sợ tiếng trẻ em khóc do khi tụi nhỏ ăn vạ chúng ta không biết phải xử lý thế nào, cửa cọt kẹt là do sợ ma, nôn mửa là do sợ cảm giác khó chịu khi ngày xưa chúng ta đã từng như thế.

Ở đây chúng ta sợ cảm giác cũ chứ không phải sợ âm thanh đó. Cảm giác có thể đến từ quá khứ hoặc tiền kiếp đang nằm trong tầng vô thức của chúng ta. Có nhiều cái chúng ta sợ mà chẳng biết vì sao ta sợ nữa. Cái này chỉ cần nhận diện và thản nhiên đối mặt với nó một thời gian sẽ tự hết.

Khi mắt nhìn thấy cảnh không muốn nhìn thì khó chịu nổi lên, hay là nhìn thấy cái gì xấu hoặc ghê tởm cũng có cảm xúc tương tự. Đó là do quan niệm, do chúng ta phân biệt, quy kết các tình huống sự vật đó là xấu, ác nên mới như vậy. Mặc dù cái bạn nhìn thấy cũng chẳng liên quan gì đến bạn luôn.

Vậy thì nhìn thấy cái gì biết cái đó thôi, không đánh giá hoặc phán xét nữa. Chỉ cần tâm nhận biết là đủ. Đẹp biết là đẹp, xấu biết là xấu, tại sao lại đi kèm với phản ứng ghê sợ cho khổ cái tâm ra? Nhiều người còn giật bắn mình khi có cái gì đó xuất hiện trước mặt, cái này là tâm lý phòng thủ thái quá, có nhiều sự cảnh giác, nỗi sợ.

Mũi ngửi mùi thơm thì dễ chịu, thối thì nhăn, chun, rùng mình, thậm chí là nôn oẹ. Bạn có phản ứng tiêu cực đến cỡ nào thì bạn vẫn phải thở mà. Có nhất thiết cần phải làm quá lên không? Nếu không thể thay đổi được môi trường (đi chỗ khác, bịt tay, khẩu trang) thì hãy thản nhiên mà đón nhận.

Khi bạn liên tục phản ứng tiêu cực với các loại mùi dần dần nó sẽ trở thành bản năng, và tình trạng tiêu cực ngày một gia tăng và tệ đi. Bây giờ xe hiện đại không có mùi xăng nhưng do tập quán cũ mà nhiều người vẫn giữ thói quen che mũi, đeo khẩu trang nhưng say vẫn hoàn say. Họ chú tâm vào sự khó chịu, tập trung cảm nhận cảm xúc nôn nao của cơ thể và bất kỳ mùi gì “bất thường” rồi nhân nó lên gấp 10 lần khi cảm thấy, thậm chí còn ảo tưởng rằng mình ngửi thấy mùi đó nữa.

Nói chung thì nếu bạn tập trung vào sự dễ chịu thì sẽ cảm thấy thoải mái, tập trung vào “bắt lỗi” sẽ luôn cảm thấy khó chịu. Cũng giống như người tích cực luôn nhìn vào ưu điểm của người khác, còn người tiêu cực lại nhìn vào khuyết điểm vậy. Nhân vô thập toàn, nhìn vào điểm tốt thì thấy vui, nhìn vào điểm xấu lại ấm ức, khó chịu.

Như vậy để có thể luôn giữ được thân-tâm an lạc, hạnh phúc tràn trề chúng ta cần có góc nhìn tích cực, suy nghĩ tích cực, cảm nhận tích cực. Khi chẳng còn điều gì khiến bạn bất an nữa thì chính là thiên đường tại thế, niết bàn chốn nhân gian rồi.

Kinh nghiệm là khi nào nhận diện được sự khó chịu hoặc nỗi sợ hãi (cơ thể có phản ứng) thì hãy bật chế độ “hưởng thụ”. Tìm điểm thích thú trong trường hợp, hoàn cảnh đó để tập trung vào. Luyện tập lâu ngày tự nhiên nó sẽ thành bản năng. Lúc đó cơ thể luôn ở chế độ hưởng thụ mà không cần có sự chú tâm nữa (tự hành).

Hoàng Nhật Minh.

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh


You may view the latest post at
https://nongtrongngay.net/cam-giac-tich-cuc-khoa-hoc-tam-linh/

© 2024, Tin Tâm Linh. ( Theo : www.tintamlinh.com )

Leave A Reply

This website uses cookies to improve your experience. We'll assume you're ok with this, but you can opt-out if you wish. Accept Read More