Đâu Là Hạnh Phúc Thực Sự?, Khoa Học Tâm Linh

0

Đâu Là Hạnh Phúc Thực Sự?

ĐÂU LÀ HẠNH PHÚC THỰC SỰ?

Mục đích của đời người là gì ? Là sống một đời hạnh phúc. Vậy nếu một người nông dân hàng ngày vác cuốc ra đồng, hái rau trong vườn,..sống một cuộc đời nhàn hạ có phải là hạnh phúc không?

Nếu đó là hạnh phúc thì ngay giờ phút này có rất nhiều người trong chúng ta đã thừa sức đạt được ngay rồi. Về quê mua một mảnh đất (nếu chưa có), trồng ít rau, nuôi vài con gà, sống cuộc đời nhàn hạ. Chẳng phải những người già về hưu cũng muốn về quê hưởng không gian yên tĩnh đó sao? Nhiều người có tiền cũng sắm cho mình một cái trang trại ở quê với kỳ vọng một lúc nào đó sẽ về đó ở.

Nhưng chúng ta không làm vậy, tại sao lại vậy? Tại sao chúng ta không chọn con đường dễ đi mà lại đi con đường khó để cuối cùng cũng chỉ nhằm tới một mục đích cuối cùng, nhàn nhã. Ẩn chứa trong chúng ta đã có những câu trả lời của riêng mình rồi.

Đó đúng là hạnh phúc nhưng là hạnh phúc ở cấp độ thấp và hạnh phúc cũng có nhiều loại khác nhau. Giống như trong một phòng điều hòa giữa một ngày nắng nóng. Bạn sẽ cảm thấy tuyệt vời hơn khi nhiệt độ là 25 độ, so với khi 32 độ. Hạnh phúc mà không phải bỏ ra nhiều nỗ lực cũng giống như việc chỉ hơi đói tí chút đã ăn con gà quay.

Ngoài ra mỗi chúng ta không sống đơn độc. Chúng ta có các mối ràng buộc như con cái, vợ chồng, bố mẹ,… Một lựa chọn có thể tốt cho cá nhân ta nhưng lại không tốt khi nhìn về tổng thể. Ví dụ nếu ta về một vùng thôn quê nào đó thì sẽ tước mất cơ hội học tập của con cái ta. Vợ có thể không vui vì không kiếm được tiệm làm tóc như ý.

Tương tự, nếu một đứa trẻ sinh ra được thừa hưởng một gia tài 1 tỷ usd. Nó có thể thỏa mãn mọi nhu cầu mà nó muốn với số tiền thừa kế. Vậy nó sẽ có thể sống một đời hạnh phúc không ? Không, vì nó có khổ đâu mà biết sướng. Việc mua một cái ô tô đối với nó là quá đơn giản, nó có thể còn chẳng nhớ là mình đã mua một cái ô tô chỉ sau vài ngày. Còn nếu bạn vất vả để mua được một cái ô tô thì cảm giác sẽ khác.



Nhàn hạn 1 tuần thì ok, nhàn hạ 1 tháng ta sẽ thấy đó không còn là hạnh phúc nữa.

Nếu ngày nào bạn cũng ăn buffet có đủ mọi món thì nhanh chóng bạn sẽ không còn thấy món ăn nào đó là ngon nữa. Thỉnh thoảng ăn mới ngon.

Ý thức về làm thế nào để bạn hạnh phúc sẽ dẫn dắt bạn rất nhiều trong hành động. Đánh đồng hạnh phúc với số lượng tiền bạc là một sai lầm và cho rằng nhàn rỗi sẽ mang lại hạnh phúc cũng là một sai lầm.

1. Hạnh phúc là mục tiêu của đời người, và có rất nhiều cách để đạt được

Hạnh phúc là sự thỏa mãn của con người khi đạt được, làm được hay sở hữu được một cái gì đó mà họ rất mong muốn. Hạnh phúc là một hành trình, tập hợp những điểm hạnh phúc trên đường sẽ mang lại hạnh phúc trên tổng thể. Hạnh phúc không phải là bạn đi 100km nhưng chỉ happy 5 km cuối. Hạnh phúc là bạn happy trên cả quãng đường 100km đó.

Khi Việt Nam vào top 10 các quốc gia hạnh phúc, có người nghi ngờ vì một nước nghèo như Việt Nam làm sao có thể hạnh phúc hơn các nước giàu được? Đó là vì họ đánh đồng giữa mức độ giàu có và hạnh phúc. Khi bạn có rất ít tiền bạn có xu hướng nghĩ rằng nếu tôi có nhiều tiền hơn thì tôi sẽ hạnh phúc hơn. Khi bạn có nhiều tiền hơn bạn sẽ thấy rằng đó là hai việc khác nhau.

Thu nhập chỉ ảnh hưởng tới hạnh phúc trong giai đoạn đầu khi mà ta đang rất thiếu thốn. Khi thu nhập của gia đình bạn tới một mức nhất định thì hạnh phúc độc lập với thu nhập của bạn.

889-dau-la-hanh-phuc-thuc-su-1.jpg

Mức A này phụ thuộc vào mỗi người. Lúc đó thường là bạn đã có đủ tiền đáp ứng một nhóm nhu cầu nào đó mà bạn rất muốn. Mong muốn của con người là vô hạn nhưng theo thời gian bạn sẽ ngày càng mất nhiều tiền hơn để có một mức độ thỏa mãn như ban đầu. Tại mức mà bạn phải chi trả một khoản tiền rất lớn nhưng chỉ cảm thấy happy rất bé thì đó là ngưỡng của bạn.

Hạnh phúc lại có cấp độ, đứng trước các cảnh đẹp khác nhau thì cảm xúc của bạn cũng khác nhau. Bạn chắc chắn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi trúng giải vietlott 20 tỷ so với trúng 10 tỷ. Hạnh phúc khi hoàn thành một công việc vô cùng khó khăn sẽ hơn so với hạnh phúc có được khi đi bộ dưới hàng cây rợp bóng mát trong một chiều thu. Một công việc nào đó càng khó, đòi hỏi nhiều càng nhiều nỗ lực thì mức độ hạnh phúc khi hoàn thành sẽ càng cao. Đó là lý do tại sao những ông như Phạm Nhật Vượng, Trương Gia Bình hay Bin Gates mặc dù thừa tiền sống tới mấy đời vẫn cứ lăn lộn vất vả. Đơn giản là bạn chỉ có thể sử dụng tiền để mua hạnh phúc tới một mức nào đó, sau mức đó thì tiền không giúp gì được nhiều.

Cấp độ hạnh phúc có xu hướng tăng dần theo thời gian cùng với nỗ lực bỏ ra ngày càng nhiều hơn. Giả sử bạn có được hạnh phúc khi bỏ ra một khoản tiền để mua cái wave alpha, lần kế tiếp nếu mua đúng cái wave Alpha thì bạn chẳng cảm thấy gì cả, muốn hạnh phúc bạn phải mua cái xe đắt tiền hơn, ví dụ như Air Blade chẳng hạn. Nó có nghĩa là bạn phải bỏ ra nhiều tiền hơn (số tiền mà bạn vất vả mới kiếm được) thì mới có được hạnh phúc.

Tôi lấy ví dụ như trong môn chạy bộ. Khi lần đầu tiên tôi đạt cự ly 10km, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Các lần chạy tiếp theo đạt 10km tôi không còn cảm giác như lần đầu tiên nữa mặc dù công sức bỏ ra ngang nhau. Khi đạt tới cự ly 21km lần đầu tiên tôi cũng cảm thấy hạnh phúc, lần này tôi cảm thấy hạnh phúc hơn so với lần 10km. Nhưng rồi thì 21km cũng trở thành hết sức bình thường, cứ như vậy, để cảm thấy hạnh phúc hơn tôi càng phải nỗ lực nhiều hơn. Nếu không duy trì nỗ lực tôi thậm chí còn bị thụt lùi về khả năng, lúc đó sẽ là trạng thái chán nản, thất bại.

Có vô số cách để khiến ta cảm thấy hạnh phúc. Nguyên tắc chung là hạnh phúc tỷ lệ thuận với nỗ lực mà bạn bỏ ra để có được trạng thái đó. Muốn hôm nay hạnh phúc thì hôm qua phải đổ mồ hôi. Sau một trận bóng đá, sau một hoạt động thể lực vất vả uống nước lọc cũng thấy ngon, đang yên đang lành uống nước lọc thì chẳng cảm thấy gì. Sau 6 ngày lao động vất vả thì 1 ngày nghỉ mới thấy happy. Đợi đói ăn mới ngon, ăn lúc căng bụng ngay cả cho dù có là món thèm muốn nhất cũng chán.

889-dau-la-hanh-phuc-thuc-su-2.jpg

Cho dù thế nào thì cảm giác làm việc không phải vì tiền vẫn cứ thích hơn là làm vì tiền vì vậy hãy phát hiện ra ngưỡng của mình sau đó tuân thủ kỷ luật tìm niềm vui trong những thứ không phụ thuộc vào tiền.

Nguyên tắc thứ hai của Sống đơn giản đó Mọi thứ đều vận hành theo quy luật. Nếu hiểu quy luật vận động bạn sẽ thấy mọi thứ diễn ra cũng không phức tạp như mình tưởng.

2. Mọi thứ đều vận hành theo quy luật

Chúng ta thường nghĩ rằng cùng với sự phức tạp của Kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa thì cuộc sống của chúng ta cũng phải phức tạp lên, chúng ta phải học nhiều hơn, làm nhiều hơn, suy nghĩ phức tạp hơn để có thể đáp ứng được.

Thực tế mọi thứ không phức tạp như thế. Mỗi quả cam đều là hình thành từ những múi cam, múi cam hình thành từ những tép cam, và nước trong mỗi tép cam được cấu thành từ những chất như nhau cho dù quả cam có là giống gì, to nhỏ ra sao.

Một cái máy bay Boeing trở khách hiện đại hình thành từ những thành phần như cánh, thân, hệ thống điện, hệ thống làm mát, động cơ, hệ thống lái,… Các thành phần này lại từ các thành phần nhỏ hơn, cuối cùng thì tất cả cũng chỉ là các linh kiện điện tử, dây điện, các vật liệu,..Và cho dù là máy bay của cách đây 100 năm hay bây giờ cũng bay lên nhờ một số nguyên lý hoàn toàn giống nhau.

Thiên nhiên tạo ra các hệ động thực vật rất đa dạng nhưng nó không thể tồn tại nếu như vận hành của nó phức tạp. Darwin thế kỷ 19 cũng đã tổng hợp sự hoạt động của nó bằng lý thuyết Chọn lọc tự nhiên.

Tất cả những thứ bạn thấy hay không thấy đều hình thành từ những thành phần nhỏ bé đó là nguyên tử có cấu tạo và nguyên lý hoạt động nhất quán.

Một chuyên gia giỏi trong một lĩnh vực không phải cái gì trong lĩnh vực đó anh ta cũng biết (vì nếu thế anh ta đã được phong thánh). Nhà sử học như Lê Văn Lan giỏi không phải vì ông ý thuộc làu làu sử Việt, ông không thể làm thế được, nhưng sao ông ý trả lời rất trơn tru mọi vấn đề của sử học?

Những thiên tài họ tìm ra quy luật, phát biểu nó thành các lý thuyết, kiểu như Newton, Einstein, Darwin,…

Những người kém thiên tài hơn thì cố gắng hiểu các lý thuyết đó để hoàn thiện nó và vận dụng nó.

Những người giỏi trong một ngành nào đó là những người nắm được quy luật trong ngành đó. Họ không cố gắng nhớ hết mà họ chỉ nhớ và vận dụng giỏi các quy luật nhất định. Nó giống như việc lái một cái ô tô, nguyên lý vận hành giống nhau nhưng người lái giỏi người lái kém. Một người sửa xe giỏi có nguyên tắc tìm lỗi, sửa lỗi của riêng mình mà anh ta đúc rút dần theo thời gian. Anh ta áp nó cho mọi lỗi của xe, cho dù đó có là xe loại gì và hỏng nặng hay hỏng nhẹ.

Thách thức thứ 2 với con người ngày nay mà tôi có đề cập đó là “Có rất nhiều thứ xao nhãng gây mất tập trung”. Ngày xưa chúng ta nhận được một tin tức duy nhất cho 1 vấn đề, ngày nay ta nhận được vô số tin tức về một vấn đề. Ngày xưa chỉ có 1 cách để giải quyết vấn đề (do giới hạn về công nghệ), ngày nay có vô số cách để giải quyết một vấn đề. ngày xưa ta chỉ có một vài mối quan hệ, ngày nay ta có vô vàn các mối quan hệ. Trong một biển cả những lựa chọn như vậy nếu bạn không biết lựa chọn cái gì thì sẽ chết chìm trong đó.

Đứng trước một vấn đề bạn phải có ý thức hướng tới tìm hiểu cấu thành và nguyên lý vận động (để bạn có thể nhớ, có thể hiểu, có thể làm và có thể truyền đạt cho người khác). Chắc chắn nó có tồn tại, nhiệm vụ của bạn là tìm thấy và áp dụng nó.

3. Luật rừng trong thế giới loài người

Càng trưởng thành tôi càng nhận thấy xã hội được vận hành giống như một khu rừng nơi có loài ăn thịt, loài bị thịt và một số ít loài sống ung dung không có kẻ thù nào. Việt Nam hay các nước phát triển như Mỹ thì cũng vậy cả, chỉ là bớt khắc nghiệt hơn ở mặt này nhưng nặng nề hơn ở mặt khác.

Khi bạn mới bước chân vào đời bạn nhìn mọi thứ thật trong veo, luôn hỏi những câu hỏi tại sao giống như một đứa bé mới chào đời muốn tìm hiểu thế giới vậy. Bạn có thể bức xúc là tại sao xã hội không vận hành theo một cách lý tưởng về sự công bằng, về việc kẻ xấu phải bị trừng trị và người thiện phải được hạnh phúc (giống như trong truyện cổ tích hồi bé bạn đã đọc). Rồi sau đó bạn sợ hãi, hoang mang, chán nản không hiểu cái xã hội này nó vận hành theo cái kiểu gì nữa (yên tâm đi, ai cũng có cảm nhận vậy, không chỉ có mình bạn).

Xã hội này hiểu đơn giản là một khu rừng có một vài chuỗi thức ăn chính nơi con ở trên đỉnh tháp ăn con ngay phía dưới nó và nó bị ăn bởi con trên nó. Hãy tưởng tượng khi mới vào đời bạn giống như một con cào cào, rồi dần dần bạn mở rộng tầm nhìn sự hiểu biết, bạn trưởng thành dần lên và tiến hóa thành loài ngày càng cao hơn.

Càng lên cao bạn sẽ càng ít kẻ thù hơn nhưng kẻ thù lại thông minh hơn. Bạn cũng sẽ có nhiều sự lựa chọn về thức ăn hơn và quan trọng là bạn hiểu rõ quy luật phía dưới, đối với con chuột thì ăn con cào cào là đương nhiên nhưng con cào cào sẽ không hiểu tại sao con chuột lại săn đuổi nó.

Càng lên cao bạn sẽ càng ít “ngơ ngác” hơn, càng thực dụng hơn. Bạn nhìn ngắm sự vận động của xã hội thay vì bị cuốn theo nó. Bạn làm chủ cuộc sống của chính mình mà không phụ thuộc vào người khác.

Xã hội động vật như thế nào thì xã hội loài người như vậy. Bạn hiểu quy luật của xã hội động vật thì sẽ dễ dàng tham chiếu sang xã hội loài người, chỉ khác vì bạn là một thành phần trong chuỗi xã hội loài người nên không có cái nhìn toàn cảnh cả chuỗi được. Nhưng hãy hiểu rằng nó vận động như vậy, nếu muốn sống tự do hãy trồi lên các bậc cao hơn. Đừng lo, bạn sẽ không phải ăn thịt, bóc lột những người kém hơn bạn, bạn thậm chí có thể giúp đỡ họ tiến lên cùng bạn.

Bậc cao hơn đó không phải là chức vụ, là tiền bạc mà là sự hiểu biết. Sự hiểu biết có được là nhờ chính bản thân bạn, loại bỏ những thứ rườm rà cản trở bạn trên đường đi, bắt tay vào học hỏi, mỗi ngày một bước rồi một ngày đẹp trời bạn sẽ nhận ra mình đã tiến lên một bậc.

Cảm giác làm chủ cuộc sống của chính mình rất tuyệt vời. Đưng vì một vài thất bại ban đầu mà chui vào một góc rừng nhìn ra bên ngoài cả đời với con mắt sợ hãi.

4. Luật nhân quả

Mọi kết quả đều có nguyên nhân. Không cái gì tự đến rồi tự đi. Mọi thứ bạn nhận ngày hôm nay là kết quả của những cố gắng trong quá khứ. Những thứ bạn sẽ nhận được trong tương lai bắt nguồn từ những gì bạn đang và sẽ làm ở hiện tại.

Mọi thứ đều phải từ từ, giống như để nước sôi 100 độ thì cho dù ngọn lửa có thể nào thì nhiệt độ cũng tăng từ nhiệt độ hiện tại tới 100 độ. Không thể từ 30 độ nhẩy phát tới 100 mà không qua 40, 41,42,…

Một thứ đột xuất không xứng đáng với nguyên nhân thì thường sẽ mang lại bất hạnh về dài hạn. Một người dân đang rất nghèo được nhận một khoản tiền lớn nhờ đền bù đất, trúng số độc đắc, thừa kế từ ông chú,… có thể giúp họ vui trong hiện tại nhưng về dài hạn là bất hạnh.

Nếu một người nghèo sống khổ sở thì họ đã quen với sự khổ sở đó rồi. Bạn cho họ tiền để họ sống thoải mái 1 năm sau đó không cho nữa. Sau 1 năm đó họ sẽ sống khổ sở hơn nhiều so với trước đây.

Một nước giàu sẽ làm một nước nghèo gặp khủng hoảng kinh tế chỉ bằng các rót thật nhiều tiền vào nước đó bằng vốn đầu tư hoặc thậm chí là cho không. Vì họ không được trang bị đủ năng lực để hấp thụ số tiền đó họ sẽ tiêu nó một cách lãng phí. Sau 5 năm (hoặc thậm chí ít hơn) các khoản vay và cho bị ngừng lại, nước đó sẽ khủng hoảng.

Tóm lại bạn phải ý thức được rằng cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Chúng ta thường mắc sai lầm:

– Không đánh giá được đúng kết quả do hệ quy chiếu bản thân đã sai.

– Đổ lỗi nguyên nhân là do những người xung quanh, không phải mình.

– Kết quả này còn lâu mới tới, trước mắt không cần quan tâm tới nó.

– Không xác định được đúng đâu là nguyên nhân chính trong hàng tá các nguyên nhân.

– Nghĩ được mà không làm được.

– Thay đổi lớn đều bắt đầu từ những thay đổi nhỏ.

Chúng ta hẳn đã quen với hiệu ứng Domino, con domino sau sẽ đổ nếu con trước nó đổ, cứ như vậy, tất cả domino sẽ đổ nếu chỉ duy nhất một con được chọn sẽ đổ. Trong công việc cũng vậy, Dự án sẽ hoàn thành chỉ bằng cách bạn hoàn thành một công việc nhất định nào. Khi công việc đó hoàn thành thì cả dự án hoàn thành.

Một dự án có 10 đầu việc, chắc chắn 10 đầu việc này có mối quan hệ móc xích với nhau. Nếu bạn cố gắng cả 10 đầu việc thì bạn sẽ phân tâm và khó làm tốt được. Nếu bạn để tâm sức vào làm thật tốt một việc thì ngay cả 9 việc kia bạn không để ý thì có khi dự án sẽ còn hoàn thành tốt hơn.

Tương tự, nếu bạn định thay đổi bản thân thì liệt kê tất cả những thứ mình phải thay đổi được thì cũng tốt, nhưng việc thực hiện thì phải biết chọn cái nào là mấu chốt. Đôi khi chỉ cần bạn có thể dậy lúc 5h sáng, tập thể dục tới 6h cũng khiến cuộc đời bạn thay đổi rồi.

Mọi thứ đều vận hành theo một quy luật nhất định mà trong đó mọi thứ có liên kết với nhau. Nếu chúng ta hiểu quy luật thì một lực nhỏ cũng hiệu quả hơn một sự cố sức rất lớn.

5. Tránh xa thị phi nhiều nhất có thể

Thị phi có vấn đề thị phi và người thị phi. Chẳng hiểu sao có những người rất giỏi tạo ra các vấn đề. Hoặc bạn phải giải quyết vấn đề của họ hoặc bạn phải suốt ngày lắng nghe các vấn đề của họ. Những người này càng được quan tâm lại càng cố tạo ra thêm vấn đề vì sâu trong họ cần sự quan tâm của người khác thì mới cảm thấy thoải mái. Nếu có thể nên tránh xa họ. Khi họ vừa mào đầu vấn đề của họ thì hãy lảng sang câu chuyện khác.

Việc thi phi giờ thì nhiều lắm vì chúng ta được sống với hơi thở internet. Lúc nào trên mạng cũng có một cái gì đó để ầm ĩ, bản chất con người là tò mò và muốn xán lại tìm hiểu. Bạn có một giới hạn nguồn lực vì vậy cần tập trung sự tò mò vào thứ mang lại giá trị. Lần sau nếu bạn định comment ý kiến của mình thì hãy cố gắng dừng lại, khi bạn nêu ý kiến trái chiếu thì sẽ dẫn tới tranh luận cho các vấn đề không cần thiết.

Tương tự, cũng có đồ đạc thị phi, có những đồ đạc mà bạn rất ít dùng nhưng lại chiếm nhiều công sức của bạn để có được và duy trì nó.

Tóm lại, hãy tập trung vào 20% những thứ ảnh hưởng tới cuộc đời bạn thay vì cái gì cũng ôm đồm.

6. Nguyên tắc sử dụng thời gian

Tôi sử dụng thời gian theo hai nguyên tắc là Làm nó trở nên khan hiếm nhưng sẵn sàng dư thừa nếu cần thiết.

Chúng ta sử dụng thời gian lãng phí vì chúng ta nghĩ rằng mình có thừa thời gian. Chất lượng công việc không phải tỷ lệ thuận theo thời gian bạn dành cho nó. Bạn phải làm cho nó thật khan hiếm thì mới kích thích được các năng lực tiềm ẩn của bản thân. Chắc chắn bạn đã từng trải nghiệm trong quá khứ về việc làm một bài tập lớn, một khóa luận hay một dự án nào đó, chúng ta lãng phí 3/4 thời gian đầu và chỉ thực sự làm cho ra làm 1/4 thời gian cuối.

Muốn làm được điều này bạn phải có được sự tự kỷ luật cao, không phụ thuộc vào áp lực bên ngoài. Ví dụ sếp bạn cho bạn 1 giờ để soạn một hợp đồng thì hãy làm nó trong 30 phút hoặc thậm chí 15 phút. Nếu phải làm một việc gì đó không thích thì hãy làm ngay thay vì lo lắng 3/4 thời gian để rồi sau cũng vẫn phải làm. Giống như nếu như bạn buộc phải ăn một con cóc ngày hôm nay thì hãy ăn ngay lập tức thây vì ngồi từ sáng tới chiều tối để rồi cuối cùng vẫn cứ phải ăn.

Nhưng đôi khi bạn phải làm dư thừa thời gian để giảm áp lực tâm lý lên chính bản thân mình. Nếu phải tới một cuộc hẹn vào lúc 14h00, thời gian đi tới đó 30 phút thì hãy bắt đầu khởi hành từ 13h00. Thực tế trong công việc hay cuộc sống tôi luôn cố gắng để dư thừa ít nhất 20% tổng thời gian mình có, có nghĩa là 20% thời gian của tôi không hề có kế hoạch từ trước đó. 20% này sẽ giúp tôi đối phó với công việc thêm mới, giúp tôi có thêm thời gian cho các vấn đề phát sinh.

Nó tương tự việc nếu bạn phải đi chợ mua một cân xoài, bạn dự kiến giá 60.000đ thì thay vì mang đúng 60.000đ thì hãy mang 100.000đ.

Tạo áp lực khi cần thiết và tạo dự thừa khi cần thiết sẽ khiến cuộc sống của chúng ta không quá nhàm chán và cũng không quá áp lực, đó là trạng thái cân bằng cần thiết khiến cuộc sống của chúng ta trở nên đơn giản hơn.

(Sưu tầm và Chỉnh sửa)

Hoàng Nhật Minh

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh


You may view the latest post at
https://nongtrongngay.net/dau-la-hanh-phuc-thuc-su-khoa-hoc-tam-linh/

Thức tỉnh tâm linh

© 2024, Tin Tâm Linh. ( Theo : www.tintamlinh.com )

Leave A Reply

This website uses cookies to improve your experience. We'll assume you're ok with this, but you can opt-out if you wish. Accept Read More