Góc Nhìn, Khoa Học Tâm Linh

0

Góc Nhìn

GÓC NHÌN

Góc nhìn của xã hội theo văn hóa truyền thống hoặc một số vùng quê Việt Nam thì “không chồng mà chửa” là một vấn đề lớn. Thậm chí còn phải “cạo đầu, bôi vôi” bỏ trôi sông để làm gương cho hậu thế. Tuy nhiên hậu thế ngày nay nếu có bầu trước khi cưới cả hai họ sẽ hoan hô, ăn mừng. Thậm chí tiêu chuẩn số một là có thai, số hai mới là cưới, nếu không thì thôi chẳng cần hỏi han gì hết, đường ai nấy đi. Ngày xưa sợ mất danh dự với xóm làng, họ tộc, ngày nay thì sợ “tịt đẻ”. Chung quy thì vẫn là nỗi sợ chi phối hành động của con người.

Có những người nhờ buôn bán mà trở nên giàu có, thành đạt. Những người chơi với họ, hiểu họ và nhìn vào mặt tốt thì thấy người này chịu khó, năng động, hoạt bát, nhanh nhẹn, tinh ý, biết nắm bắt thời cơ để phát tài. Tuy nhiên với xã hội nói chung họ chẳng hiểu người đó làm thế nào có thể “may mắn” đến vậy và bật chế độ “ghen ăn tức ở” nói rằng: chắc là buôn gian, bán lận, giỏi lừa đảo mà nên chứ trình độ học vấn hết lớp 12 thì tài cán ở chỗ nào? Xã hội có rất nhiều góc nhìn khác nhau, tựu chung cũng chỉ bởi chữ “không hiểu” nên thích “nói liều” trúng đâu thì trúng.

Cũng giống như một nhóm bạn thân chơi với nhau, bởi vì thân rồi nên hiểu tính nết, sở thích từng đứa. Hiểu rồi thì rất dễ thông cảm: “ôi tính nó thế ấy mà, để ý làm gì!”. Tuy nhiên người không hiểu thì lại thấy chướng tai, gai mắt: “thằng này, con này không được, nó thế này, nó thế kia, không coi ai ra gì”. Ngôn từ Tiếng Việt rất phong phú. Cùng một câu nói nhưng có thể bao hàm nhiều ý nghĩa khác nhau, hiểu tích cực thì nó tích cực, hiểu tiêu cực thì ôm cục tức vào thân. Đôi khi biết rõ họ không hề “có ý đó”, nhưng vẫn phải lái vào thành “nó xỏ xiên, bóng gió mình” và bắt đầu đánh giá, phán xét.

Có những thứ bị coi là lập dị, tách biệt, khó có thể chấp nhận nổi ngày hôm nay nhưng lại là điểm sáng của ngày mai khi tư duy và nhận thức thay đổi. Người “giác ngộ” nghe có vẻ kỳ lạ và thiếu thực tế đối với xã hội hiện tại, nhưng lại là những kẻ được “vỗ tay” và “chào đón” nồng nhiệt ở mọi nơi trong kỷ nguyên “đại thức tỉnh” đang tới. Cái gì “mới và lạ” thì luôn bị nhiều ánh mắt soi mói, để ý chỉ đơn giản bởi họ chưa hiểu nhiều về nó, chưa hiểu nên mới có khúc mắc, hiểu rõ rồi chẳng ai để ý nữa.

Người giác ngộ thì không còn khổ do họ đã hiểu rõ mọi sự diễn ra trong cuộc đời mình đều có lý do của nó. Những người còn đang khổ chỉ bởi vì họ không hiểu tại sao họ khổ. Ví dụ như bạn đang vô cùng lo lắng và hoảng sợ khi 10 triệu để trong tủ đột nhiên “biến mất”. Thậm chí là bấn loạn vì đó là tiền sinh hoạt của cả gia đình tháng này. Bạn tính toán xem ai có thể là kẻ “thủ ác” và bắt đầu đánh giá người này, nghi ngờ người kia. Cho đến khi bạn chợt nhớ ra là vừa mới đưa cho vợ đi chợ sắm đồ, nỗi khổ biến mất.

Vậy vấn đề nằm ở chỗ không hiểu thì sẽ thấy khổ, hiểu rồi lại thấy mọi sự rõ ràng, hợp lý, dễ dàng buông bỏ, an lạc, vui tươi. Người đã giác ngộ giải thoát thì nhìn được nguyên nhân gốc rễ của khổ đau (nhìn vào chính cuộc đời mình chứ đừng nhìn người khác). Hiểu được rằng sao chuyện này lại diễn ra, nỗi khổ kia sao lại kéo đến, bài học ở đây là gì. Mỗi khi ý thức được rằng “tâm mình” đang động, mình đang cảm thấy lo lắng, bất an, bất như ý hoặc nổi lên các cảm xúc tiêu cực thì lập tức chuyển sang trạng thái “truy vết”. Tìm hiểu nguồn cơn vì sao mà mình lại “khổ như thế này”, hiểu rồi sẽ dễ dàng buông bỏ, bỏ dứt nọc luôn, chữa bệnh khổ cần chữa “tận gốc”.



Người yêu thương được chính mình là người không còn làm bản thân dằn vặt, buồn tủi, khổ sở. Khi trong họ không còn bất cứ nỗi buồn nào thì họ không có năng lượng tiêu cực để phát ra, tự nhiên họ cũng sẽ không làm khổ và yêu thương được người khác. Một câu chuyện buồn nếu kể ra với năng lượng tiêu cực: “mày biết không hồi đó tao khổ lắm, khổ vừa…” kết hợp với khuôn mặt ủ rũ và giọng nói trầm buồn, ủ ê thì hết sảy. Nhưng nếu kể với năng lượng tích cực: “hồi đó tao phê gần chết mày ạ, đó là thử thách gắt nhất trong cuộc đời tao, lúc đó sống không được mà chết cũng không xong…” đi kèm với một gương mặt phấn khởi, hồ hởi như đang kể về một chiến tích ghê gớm lắm thì tâm trạng người nghe cũng khác.

Người có tổn thương rất khó có thể kể về cuộc đời mình bởi vì họ sợ, sợ sẽ “chạm” tới những ký ức đã “đào sâu, chôn chặt”. Khi nỗi khổ được nhắc lại thì nó sẽ trồi lên và ảnh hưởng đến tâm trạng, cảm xúc của họ. Người đã lành lại có thể kể ra mọi nỗi khổ của họ với góc nhìn hài hước, tích cực. Vậy nên muốn thoát khổ việc đầu tiên cần làm là chữa lành các tổn thương trong quá khứ. Khi đã không còn tổn thương chúng ta mới có thể là chính mình được.

Nếu bạn chưa lành, tức là các năng lượng tắc nghẽn vẫn còn tồn tại bên trong thân thể, nó ảnh hưởng đến mọi suy nghĩ, lời nói và hành động liên quan đến đối tượng khiến bạn bị tổn thương. Vì vậy đôi khi muốn thể hiện tình cảm nhưng có cái gì đó cứ chẹn lại, ngăn không cho bạn nói hoặc làm. Để có thể giải phóng con người cần giải phóng các dạng năng lượng tiêu cực này, bạn phải buông được nó ra. Không phải cứ bao dung, tha thứ mà có thể buông bỏ triệt để, cách buông bỏ triệt để là bạn phải “hiểu rõ” được nó, hay nói cách khác là hiểu rõ chính mình. Mọi nỗi khổ đều là do chính bạn bám chấp vào nó, chứ nếu bạn buông ra thì nỗi khổ ở đâu?

Khi bạn đã thoát được khổ, giải phóng được bản thân khỏi các dòng năng lượng “tồi tệ” bên trong thì chợt góc nhìn của bạn thay đổi. Bạn không còn nhìn vào đúng hoặc sai, thiện hoặc ác, sáng hoặc tối. Lúc này bạn đã yêu thương được chính mình (không còn làm mình khổ), nên góc nhìn của bạn cái gì cũng đều là tình yêu. Đeo kính màu hồng thì sẽ thấy toàn màu hồng, còn đeo kính râm thì nhìn cái gì cũng tối tăm, u ám.

Khi hiểu rõ “vạn sự” bạn biết rằng “tất cả” mọi thứ đều dẫn dắt chúng ta đến một tương lai tốt đẹp. Nếu những nghịch cảnh đó không đến với cuộc đời bạn thì bạn cũng sẽ không thể có được “sức mạnh này, nhận thức này”, vì vậy mọi thứ sẽ trở nên “kém trọn vẹn”. Thay đổi góc nhìn, thay đổi cuộc đời, từ chỗ oán trời, trách người nay bạn đã trở nên biết ơn “nghịch cảnh”, thậm chí là biết ơn, yêu thương người đã tạo ra nghịch cảnh để bạn có thể học bài học của mình.

Mọi thứ đến với bạn trong cuộc đời này 100% nguyên nhân đều đến từ bạn. Bạn khổ là do chưa hiểu được chính mình nên mới khổ, nói cách khác thay vì luôn nhìn ra bên ngoài thì hãy quay lại hướng vào bên trong. Hiểu chính mình là sẽ hiểu cả vũ trụ vì thân thể bạn chính là một tiểu vũ trụ. Hiểu mình thì cũng sẽ hiểu người vì tất cả đều “trong nhau”.

Khi bạn thay đổi thì thế giới quan của bạn cũng dần dần đổi thay, vậy nên chỉ cần hiểu được chính mình thì sẽ hiểu được hành trình tương lai phía trước. Bạn là trung tâm của chính cuộc đời bạn.

Hoàng Nhật Minh.

Phim Thức Tỉnh

Nhạc Chữa LànhTủ Sách Tâm Linh


You may view the latest post at
https://nongtrongngay.net/goc-nhin-khoa-hoc-tam-linh/

© 2024, Tin Tâm Linh. ( Theo : www.tintamlinh.com )

Leave A Reply

This website uses cookies to improve your experience. We'll assume you're ok with this, but you can opt-out if you wish. Accept Read More