Thất Sát chủ phong hiến
Thất Sát là thượng tướng trong các sao, là cô thần trong thành bại. Tại đẩu thuộc ti quyền bính của các sao chủ về phong hiến. Uy phong của nó được lấy làm anh linh của kim, tính khí của nó dường như rất lạnh lùng”.
Đây là 1 đoạn trong Toàn Thư nói về Thất Sát. Ở đây có 1 từ đặc biệt: “Thất sát chủ phong hiến”, phong hiến có nghĩa là “phong tục, hiến pháp”.
Thất Sát lại là sao võ tướng, chủ về giữ gìn trật tự xã hội, phong tục truyền thống và đảm bảo hiến pháp, pháp luật bằng sự áp chế cứng rắn theo khuôn khổ, kỷ luật. Đó là hình tượng của công an, quân đội, bên tòa án bộ phận thi hành án. Nó cũng nói lên tính chất kỷ luật và “hình khắc, lạnh lùng”. Luật bất dung tình, có thể xử cả người thân nếu họ phạm pháp. Có thể làm tướng chủ soái đánh dẹp giặc chủ sát phạt.
Tính chất gian khổ của Thất Sát thực ra do tính sát phạt là nghiệp quá khứ đã ăn sâu trong tiềm thức, dù là chính nghĩa hay phi nghĩa thì nó vẫn ở trong tiềm thức, biểu hiện quá khứ từng trải qua gian khổ đấu tranh bảo vệ phong hiến, bây giờ nghiệp ấy vẫn còn và hiện ra như thế.
Thất Sát gặp sao Tử Vi biến thành quyền, chính là vua có tướng tinh Thất Sát thống lĩnh chủ giữ yên trật tự trong nước và bời cõi. Nên xã hội bên ngoài và tổ chức, cơ quan được yên ổn, có kỷ cương. Nhờ đó Tử Vi phát huy hết sức mạnh lãnh đạo.
Thất Sát 12 cung duy có gặp Tử Vi thường chủ về phúc. Vì thế mà nói Thất Sát Tỵ Hợi là tốt hơn cả, tiếp đến là Thất Sát triều đẩu ở Dần Thân, rồi mới đến Tý Ngọ. Sát ở Tý Ngọ không gặp được Tử Vi trực tiếp.
Có 1 bài thơ mà Hồ Quý Ly sáng tác tên là Tứ trung uý Đỗ Tử Trừng trong đó có dùng từ phong hiến.
Ô Đài cửu hĩ cấm vô thanh
Đốn sử triều đình phong hiến khinh.
Tá vấn Tử Trừng nhụ Trung uý,
Thư sinh hà sự phụ bình sinh?
Dịch nghĩa
Đã lâu rồi, chốn Ô Đài vẫn im hơi lặng tiếng,
Để cho phong thái, hiệu lệnh triều đình bị coi thường.
Thử hỏi Tử Trừng, viên Trung uý nhu nhược kia,
Là kẻ sĩ, sao lại phụ chí bình sinh vậy?
Theo Đại Việt Sử Ký toàn thư, Hồ Quý Ly cho rằng có âm mưu làm loạn của Phan Mãnh và Chu Bỉnh Khuê, nên đem giết đi đồng thời gửi bài thơ trách quan Ngự Sử Đỗ Tử Trừng về việc ông này trước sau im lặng trước vụ việc.
*Ngự sử là chức quan chuyên can gián việc sai trái của vua.
© 2024, Tin Tâm Linh. ( Theo : www.tintamlinh.com )